Thiết bị điện tử càng cũ thì tổn hao năng lượng càng lớn.
Đồ điện tử cũ nguy hại cho môi trường
TS Trần Văn Thịnh, trưởng Bộ môn Thiết bị điện, điện tử, ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, đồ điện tử đã qua sử dụng thì phần lớn là rác thải công nghiệp. Vì thời gian để sử dụng tiếp không nhiều, song việc giải quyết hậu quả khi chúng hỏng hẳn là cả một vấn đề lớn.
Trong các thiết bị nhập về thì có cái dùng được, có cái không, nhưng việc cho nhập cái gì và cấm nhập cái gì hiện nay cũng vẫn nhập nhèm. Bởi thế mới có hàng nghìn chiếc ắc quy nhập khẩu về Việt Nam khiến ta trở thành bãi rác thải công nghiệp cho một số nước phát triển.
Theo một chuyên gia Viện Hóa học cho biết, theo ước tính chưa đầy đủ do Viện thống kê, mỗi năm Việt Nam thải ra khoảng 120.000-150.000 thiết bị điện và điện tử gia dụng (ti vi, tủ lạnh, máy giặt, điều hòa,…). Ngoài ra, khoảng 200.000-300.000 chiếc máy tính để bàn cũng được thải ra hàng năm.
Chì, kẽm… là những chất thải khó chuyển hóa, nhưng để nó tự nhiên ngoài môi trường trong một thời gian dài thì sẽ bị phân hủy thành những hóa chất có hại. Các chất này sẽ ngấm vào nguồn nước, ngấm vào đất gây ô nhiễm đất và nước. Chỉ riêng số lượng pin thải rất lớn, mỗi người sử dụng đến 20-30 chiếc pin/năm.
Khi không thể sử dụng được nữa, chúng ta thường ném vào sọt rác. Trong pin thì thành phần chính là kẽm và mănggan. Hơn thế, những chiếc pin này thường được để lẫn với rác thải sinh hoạt.
Nếu những cục pin này thải ra môi trường và không được xử lý. Pin sẽ chảy nước, các chất như chì, thủy ngân, niken… sẽ ngấm vào đất và nước gây ô nhiễm môi trường.
Theo các chuyên gia thì đặc biệt là các thiết bị điện tử, công nghệ sẽ rất nhanh chóng lỗi mốt do những dòng sản phẩm mới ra đời. Các thiết bị đã qua sử dụng này chưa hỏng hẳn. Ngoại trừ giá rẻ, người tiêu dùng chịu nhiều thiệt thòi như không tiện ích, tuổi thọ kém, tốn điện, tốn diện tích…
Sau 5 năm nên đổi thiết bị khác
TS Trần Văn Thịnh, trưởng Bộ môn Thiết bị điện, điện tử, ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, rất khó để nói một thiết bị điện thì có tuổi thọ bao nhiêu lâu. Tùy từng điều kiện, mục đích sử dụng để cân nhắc thời điểm thay thế thiết bị khác. Người Việt Nam có thói quen sử dụng cho đến khi hỏng, không thể sửa chữa được nữa thì mới bỏ.
Tuy nhiên trên thực tế, các nhà sản xuất thường xuyên cải tiến mẫu mã và công nghệ. Vì thế sau khoảng 5 năm là các sản phẩm trở nên lỗi thời. Đó cũng là khoảng thời gian hợp lý để thay đổi đồ điện tử trong gia đình.
Cũng theo TS Trần Văn Thịnh, thiết bị điện tử càng cũ thì tổn hao năng lượng càng lớn. Chỉ mãi đến sau nay người ta mới tích hợp được công nghệ tiết kiệm điện năng cho các thiết bị điện tử. Thiết bị càng cũ thì chất lượng càng kém.
Ví dụ như một chiếc tivi màu thế hệ cũ thì công nghệ cao nhất vẫn chỉ là ống hình. Đằng sau chiếc tivi là cả một cục lớn bao gồm các ống hình. Công nghệ này khi phát, đặc biệt là loại tivi ống hình màu, sẽ tạo ra phản xạ màu rất lớn, gây hại cho mắt, đặc biệt là với trẻ em khi xem ở khoảng cách gần. C
òn với tivi mới hiện nay như màn hình led hay tinh thể lỏng, plasma… thì nó gần như khắc phục được hoàn toàn nhược điểm này. Hay một chiếc điện thoại di động, càng về sau này thì nó càng tích hợp nhiều công nghệ tiên tiến hơn.
Không có tuổi thọ chung cho tất cả các thiết bị điện tử. Tuy nhiên tùy vào từng mục đích sử dụng mà cân nhắc nên thay hay không. Khoảng thời gian 5 năm cho một thiết bị điện tử là thời gian hợp lý.
Bởi ngay các nhà sản xuất cũng phải liên tục cải tiến công nghệ để đưa ra mẫu mã mới. Vì thế, nếu có điều kiện kinh tế, thì không nên giữ những thiết bị điện tử “đồ cổ” trong nhà.
Danh mục các sản phẩm công nghệ đã qua sử dụng cấm nhập khẩu gồm máy in, ổ đĩa cứng, camera, ĐTDĐ, máy tính bảng, laptop… đã qua sử dụng hoặc tân trang lại sẽ bị cấm nhập hoàn toàn vào Việt Nam. Ngoài ra, các sản phẩm đặc biệt như ra-đa, thiết bị dẫn đường, thiết bị điều khiển bằng sóng vô tuyến… cũng nằm trong danh mục cấm nhập khẩu. Chỉ có một số sản phẩm công nghệ cũ có thể được cho phép nhập khẩu như các sản phẩm phục vụ sản xuất trực tiếp, nghiên cứu và phát triển; sản phẩm nhập về để sửa chữa, làm mới sau đó tái xuất; sản phẩm phục vụ các mục đích đặc biệt.
Tô Hội