Đinh lăng, còn gọi là cây gỏi cá, nam dương lâm, tên khoa học là Panax fruticosum L. Theo kinh nghiệm dân gian, người ta thường dùng đinh lăng lá nhỏ dưới dạng thuốc sắc, rượu ngâm hoặc bột khô để chữa chứng ho, đau tức vú, tắc tia sữa, làm lợi sữa, chữa kiết lỵ, làm thuốc tăng lực cho các đô vật trong dịp hội hè. Đặc biệt, rượu và nước sắc rễ đinh lăng lá nhỏ ngày xưa thường được các lương y dùng để chữa chứng suy nhược cơ thể, làm thuốc bổ tăng lực nên danh y Hải Thượng Lãn Ông đã gọi cây đinh lăng lá nhỏ là “cây sâm của người nghèo”.
Người Ấn Độ còn dùng đinh lăng lá nhỏ làm thuốc hạ sốt, làm săn da và niêm mạc. Để chữa sưng vú và làm thông tia sữa, cổ nhân thường dùng rễ đinh lăng 30 - 40g sắc với 500ml nước, cô còn 250 ml, uống nóng.
Để chữa chứng sốt lâu ngày kèm theo ho, nhức đầu, đau tức ngực, tiểu tiện vàng, khát nước: Dùng rễ, cành, lá đinh lăng tươi 30g, lá hoặc vỏ chanh, vỏ quýt 10g, lá tre tươi 20g, rễ lá cành sài hồ 20g, cam thảo dây hoặc cam thảo đất 30g, chua me đất hoặc rau má tươi 30g, sắc với 750ml nước, cô còn 250ml, chia uống 2 -3 lần trong ngày.
Để chữa mệt mỏi, biếng hoạt động: Dùng rễ đinh lăng phơi khô, thái mỏng 50g sắc uống trong ngày. Để chữa vết thương dùng lá đinh lăng tươi, rửa sạch giã nát đắp vào nơi bị bệnh
Nghiên cứu dược lý học hiện đại cho thấy, tác dụng của dịch chiết đinh lăng lá nhỏ có nhiều điểm tương tự sâm Triều Tiên. Bột rễ đinh lăng lá nhỏ có chứa 20 axit amin, vitamin nhóm B, các nguyên tố vi lượng, trong đó có một số axit amin mà cơ thể người không thể tổng hợp được.
BS Xuân Mai (Hội Đông y Việt Nam)