Viêm gan cấp là tình trạng viêm gan phát sinh trong vòng 6 tháng đầu tiên kể từ khi người bệnh bị bệnh. Viêm gan cấp thường do nhiễm virus viêm gan A, B hoặc C nhưng cũng có thể do nguyên nhân khác gây ra bao gồm: Viêm gan tự miễn, viêm gan do thuốc, chất gây nghiện, độc tố và rượu.
Viêm gan cấp nếu không được điều trị có thể biến chuyển thành viêm gan mạn tính, xơ gan và ung thư gan. Người bị viêm gan cấp ngoài việc uống thuốc điều trị ra, còn nên bồi bổ cho đúng cách mới có tác dụng trị liệu.
Ăn nhiều rau củ quả giàu vitamin
Vì gan được xem như là một nhà máy chế biến thức ăn và cung cấp năng lượng cho cơ thể. Trong bệnh lý viêm gan cấp, “nhà máy” bị trục trặc đột ngột, nên hoạt động bình thường của lá gan bị xáo trộn, người bệnh cần giảm bớt mỡ, bơ, dầu, không nên ăn thực phẩm có nhiều cholesterol như nội tạng súc vật, lòng đỏ trứng… Cần bổ sung các thực phẩm sau đây.
Thực phẩm giàu vitamin như bí đỏ, cà chua, táo, trái cây...: Nhóm dinh dưỡng này tốt cho hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại bệnh và triệu chứng viêm gan cũng được cải thiện.
Thực phẩm giàu đạm tốt như thịt, cá, trứng, sữa…: Mọi hoạt động của cơ thể đều cần sự có mặt của đạm, riêng với trẻ mắc viêm gan thì đạm càng quan trọng hơn để gan hoạt động tốt hơn.
Thực phẩm dễ tiêu hóa như sữa chua, súp, cháo, canh…: Khi trẻ mắc viêm gan sẽ có triệu chứng chán ăn, khó tiêu hóa, nôn mửa… nên cần ăn các thực phẩm dễ tiêu hóa để cung cấp dinh dưỡng nhanh, tránh gan phải làm việc quá tải.
Nhóm rau củ quả: Trong rau củ quả giàu chất xơ và vitamin, tuy nhiên, cần chú ý trong chế biến thức ăn cho trẻ ở điều kiện thích hợp để tránh hao hụt lượng vitamin tốt này.
Với những trẻ còn bú sữa mẹ, ngoài dinh dưỡng bổ sung ngoài thì mẹ nên cho trẻ bú thường xuyên hơn. Trong sữa mẹ rất giàu chất dinh dưỡng tốt cho miễn dịch của trẻ, chống lại tác nhân gây bệnh tốt hơn.
Món ăn bồi bổ
Ngoài việc dùng thuốc điều trị, người bệnh nên bồi bổ bằng các món ăn sau để hỗ trợ trị liệu, giúp gan nhanh chóng phục hồi.
Thịt hầm: Rễ nho dại 60g, rượu vàng 1 thìa (khoảng 15ml), thịt nạc 30g, cho cùng vào nồi, cho nước vừa, sắc uống. Mỗi ngày 1 thang, chia uống 2 lần, uống nước ăn thịt. Một tuần là một liệu trình. Có tác dụng trị liệu phụ trợ với viêm gan A.
Cháo rau: Cà chua, cà rốt, rau cần, mỡ lợn, gạo tẻ. Cà chua thái hạt lựu 1 thìa, cà rốt xay thành bột 1/2 thìa, rau cần xay nhuyễn 1/2 thìa, mỡ lợn ½ thìa. Những nguyên liệu trên khuấy vào trong cháo gạo tẻ đã nấu chín, nêm muối, mì chính, làm bữa ăn phụ. Có thể trị liệu phụ trợ cho viêm gan B.
Lươn hấp cơm: Lươn 20 con không cần mổ ruột, dùng khăn vải khô lau sạch lớp nhớt bên ngoài. Đợi cho cơm sôi, cắt đứt đuôi lươn (dài khoảng 2cm), cho ngay lươn vào trong nồi, đậy nắp nồi lại, lươn giãy giụa trong nồi cơm, tiết ở đuôi lươn sẽ chảy vào trong cơm, ủ cơm chín, lươn chín, trộn đều cơm với lươn, cho dầu, muối, gia vị là ăn được. Món cơm này sẽ cải thiện chứng vàng da.
Cháo trứng: Sơn dược 50g, lòng đỏ trứng 2 cái, gạo tẻ 150g. Đập trứng gà bỏ lòng trắng trứng giữ lòng đỏ lại, dùng đũa đánh tan lòng đỏ. Trước tiên, cho sơn dược, gạo tẻ vào nồi, cho nước vừa. Bắc nồi lên lửa to đun sôi, rồi hạ lửa nhỏ ninh cho chín. Trước khi bắc nồi ra, cho lòng đỏ trứng gà vào trong cháo, khuấy đều cho sôi lên là được. Có thể làm dùng thức ăn chính.
Cách bổ sung năng lượng: 30Kcal/kg cân nặng hiện tại/ngày; Protid: 0,8 – 1g/kg cân nặng hiện tại/ngày. Tỷ lệ protid động vật/tổng số: > 50%; Lipid: 10 - 15% tổng năng lượng. Axit béo chưa no một nối đôi chiếm 1/3, nhiều nối đôi chiếm 1/3 và axit béo no chiếm 1/3 trong tổng số lipid; Đủ vitamin, chất khoáng và nước; Không dùng thực phẩm lạ, dễ gây dị ứng; Số bữa ăn: 4 - 6 bữa/ngày.