Bên cạnh các biện pháp dự phòng lây nhiễm SARS-CoV-2 theo khuyến cáo của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ và duy trì một lối sống tích cực, lành mạnh đóng vai trò quan trọng giúp nâng cao miễn dịch và phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, ngay cả đối với những người khỏe mạnh chưa mắc bệnh, chế độ ăn không đầy đủ thiếu cả số lượng và chất lượng vẫn còn rất phổ biến, điều này khiến cho hệ miễn dịch bị suy yếu và dễ mắc bệnh. Vì vậy, để phòng tránh bệnh nên thực hiện:
Ăn đủ 3 bữa chính và bữa phụ: Nhiều người Việt có thói quen duy trì 3 bữa chính trong ngày. Tuy nhiên, một số người còn bỏ bữa, đặc biệt là bữa sáng. Những thói quen này khiến cho tổng năng lượng qua bữa ăn hằng ngày không đáp ứng đủ nhu cầu cơ thể, khiến cơ thể mệt mỏi, hệ miễn dịch suy giảm, dễ mắc bệnh. Để cung cấp đủ năng lượng qua các bữa ăn hằng ngày, chúng ta cần đảm bảo không bỏ bữa, ăn đủ 3 bữa chính và lưu ý ăn thêm bữa phụ giữa giờ (sữa, sữa chua, hoa quả, đậu/đỗ/hạt ngũ cốc rang/sấy).
Bổ sung thực phẩm nhiều đạm (protein): Một chế độ ăn đủ đạm (protein) có vai trò rất quan trọng giúp cơ thể duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh và giúp nhanh lành bệnh. Chất đạm còn cung cấp nguyên liệu tổng hợp các tế bào bạch cầu và kháng thể chống lại vi khuẩn và virus xâm nhập cơ thể. Đạm (protein) có nhiều trong các loại thực phẩm: Thịt, cá, trứng, sữa, và các loại đậu/đỗ. Mỗi người cần ăn 5 - 6 phần đạm (protein)/ngày. Mỗi phần đạm (protein) tương đương 40g thịt/cá/tôm, 1 quả trứng gà/vịt, 1 bìa đậu phụ, 1 cốc sữa. Nên phối hợp đa dạng thực phẩm trong bữa ăn, sử dụng đạm từ cả nguồn động vật và thực vật để đạt tổng số đạm (protein) cơ thể cần mỗi ngày.
Bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất có tác dụng tăng cường miễn dịch: Ăn nhiều các thực phẩm nhiều vitamin A và caroten (gan, trứng, khoai lang, bí ngô, cà rốt, đu đủ, xoài, bông cải/xúp lơ…). Ăn nhiều hơn các loại rau xanh và hoa quả nhiều vitamin C (cam, bưởi, ổi…), các loại thực phẩm chứa nhiều kẽm (đậu, đỗ, hạt hạnh nhân, thịt heo, thịt bò, hàu, sò…). Ăn nhiều hơn thực phẩm nhiều Selen (trứng, nấm, tôm, đậu đỗ, ngũ cốc, thịt heo bò…).
Nghiên cứu cho thấy, bổ sung kẽm có tác dụng phòng bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là viêm phổi ở người cao tuổi. Nên ăn cá ít nhất 2 lần mỗi tuần để bổ sung vitamin A và omega-3. Vitamin A và omega-3 đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch đường hô hấp. Có thể dùng viên dầu cá uống bổ sung hằng ngày.
Trong trường hợp chế độ ăn không đầy đủ, có thể xem xét uống bổ sung thuốc đa sinh tố chứa vitamin A, vitamin C, vitamin D, kẽm (Zn), và Selenium (Se). Đây là các chất giúp tăng cường hệ miễn dịch.
Bổ sung các loại rau, củ gia vị nhiều tinh dầu: Tăng cường sử dụng, hành, tỏi, gừng, sả, chanh, các loại rau thơm nhiều hóa thực vật và tinh dầu (bạc hà, kinh giới, tía tô…) trong các bữa ăn hằng ngày vì chúng có tính kháng khuẩn cao. Có thể uống viên tinh dầu tỏi hoặc 1 - 2 nhánh tỏi tươi, nước gừng ấm, nước chanh sả ấm. Những người cao tuổi, trẻ nhỏ, những bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính, người thiếu cân hoặc suy dinh dưỡng nên bổ sung các chế phẩm dinh dưỡng giàu năng lượng và đạm, ví dụ như sữa nước hoặc sữa bột tùy theo độ tuổi và bệnh lý nếu có. Mỗi ngày bổ sung không quá 500 calo, tương đương 2 cốc sữa. Nên tham vấn bác sĩ dinh dưỡng hoặc nhân viên y tế để có hướng dẫn lựa chọn sản phẩm phù hợp.
Uống nhiều nước, đặc biệt là nước ấm: Chỉ cần cảm thấy có chút khô họng phải uống nước ngay. Lưu ý mỗi ngày uống không dưới 1.500ml nước ấm. Uống từng ngụm nhỏ, nhiều lần trong ngày. Lưu ý một số đối tượng như trẻ em và người cao tuổi cần bổ sung nước thường xuyên chứ không đợi cảm giác khát.
Không ăn kiêng, hãy ăn đa dạng nhiều thực phẩm: Trong giai đoạn này cần phải ăn đa dạng các loại thực phẩm, màu sắc và dinh dưỡng phong phú. Cố gắng ăn không dưới 15 loại thực phẩm mỗi ngày, kể cả gia vị. Hạn chế đồ dầu mỡ, đồ chiên rán, đồ ngọt. Những thực phẩm này cung cấp nhiều năng lượng, nhưng gây đầy bụng khó tiêu, không cung cấp đủ đạm và các vitamin cơ thể cần cho hệ miễn dịch.
Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm: Ăn chín, uống sôi. Các loại thịt, cá, trứng phải được nấu chín hoàn toàn. Để riêng thực phẩm sống, chín. Thực phẩm tươi chưa sử dụng phải cất ngăn đá tủ lạnh. Thực phẩm đã nấu chưa ăn ngay phải cất ngăn mát tủ lạnh. Rửa tay trước khi ăn, trước và sau khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc tiếp xúc với bề mặt có nguy cơ. Hạn chế ăn hàng quán. Hạn chế bia, rượu, tiệc tùng, tụ tập đông người để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh truyền qua đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp với bề mặt nhiễm.
Bên cạnh đó, cần ngủ đủ giấc, đảm bảo thời gian ngủ mỗi ngày không ít hơn 7 tiếng, tránh thức khuya. Thực hiện các bài tập thể dục cá nhân, thời gian mỗi ngày tập luyện ít nhất 30 phút các bài tập ở cường độ trung bình làm tăng nhịp tim và nhịp thở, nhưng hạn chế tham gia các nhóm hoạt động thể thao đông người để tránh lây nhiễm chéo. Tiếp xúc ánh nắng mặt trời nhẹ 15 phút mỗi ngày giúp cơ thể tổng hợp đủ vitamin D.
TS.BS Nguyễn Thanh Hà (Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Phổi T.Ư)