Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng và nâng cao sức khỏe người dân như tỷ lệ SDD trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm nhanh, bền vững (tỷ lệ SDD thể nhẹ cân giảm từ 30,1% năm 2000 xuống còn 14,1% năm 2015 và năm 2019 tỷ lệ này là 12,2%).
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về dinh dưỡng: Tỷ lệ SDD thấp còi (chiều cao theo tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi mỗi năm giảm 1%, nhưng vẫn còn ở mức cao (22,4% năm 2019) và có sự chênh lệch giữa các vùng nhất là vùng núi, vùng khó khăn so với thành phố, đồng bằng. Tỷ lệ này ở miền núi phía Bắc là 27,1% và Tây Nguyên là 29,8%.
Bên cạnh đó, tỷ lệ thừa cân, béo phì đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng, nhất là ở khu vực đô thị. Tình trạng gánh nặng kép về dinh dưỡng ngày càng rõ rệt, và trở nên khó khăn trong phòng chống suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thấp còi, thừa cân và phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng. Tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi (năm 2019) là 9,7%. Tình trạng thừa cân béo phì lứa tuổi học đường cũng đang báo động.
Chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý, thói quen ăn uống thiếu lành mạnh, ít hoạt động thể lực là những nguyên nhân gây gia tăng các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng. Theo kết quả cuộc Tổng điều tra các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm do Bộ Y tế tiến hành năm 2015 cho thấy, có đến 57,2% số người trưởng thành (18 - 69 tuổi) ăn ít rau/trái cây (tức là ăn ít hơn 5 suất rau/trái cây trung bình trong 1 ngày); mức tiêu thụ muối hiện nay cao gần gấp 2 lần mức khuyến nghị (mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới là 5g muối/người/ngày, tương đương với 8g bột canh, hoặc 25ml nước mắm, hoặc 35ml xì dầu), có đến 28,1% số người thiếu hoạt động thể lực (tức là có <150 phút hoạt động thể lực cường độ trung bình trên tuần hoặc tương đương). Chính vì vậy, mô hình bệnh tật của người dân Việt Nam đang chuyển tiếp từ các bệnh lây nhiễm là chủ yếu sang các bệnh không lây nhiễm.
Tuần lễ “Dinh dưỡng và Phát triển” năm nay, Bộ Y tế đã đưa ra khuyến cáo: Phát triển VAC để tạo nguồn thực phẩm tại chỗ, sạch, an toàn cho bữa ăn gia đình; Sử dụng đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm, ăn đủ nhu cầu theo từng lứa tuổi; Tăng cường ăn rau, củ, trái cây và các loại thực phẩm có bổ sung vi chất dinh dưỡng; Thực hiện nuôi dưỡng trẻ hợp lý trong 1.000 ngày đầu đời của trẻ để giúp trẻ phát triển tối ưu cả về thể chất, tầm vóc và trí tuệ khi trưởng thành; Thực hiện dinh dưỡng lành mạnh, tăng cường vận động thể lực để phòng chống thừa cân béo phì và các bệnh mạn tính không lây; Kêu gọi toàn dân thực hiện dinh dưỡng hợp lý, tăng cường sức khỏe, nâng cao sức đề kháng, góp phần phòng chống dịch bệnh.