Theo quan niệm y học cổ truyền, gan được gọi là can. Can chủ huyết, tàng huyết can chủ sơ tiết, can chủ cân, vinh nhuận ra móng chân tay, can khai khiếu ra mắt, can có can dương và can âm. Nếu 2 phần âm dương thăng bằng thì thể khỏe mạnh, ăn uống tốt, ngủ ngon. Nếu can dương vượng thì trong người nóng mắt đỏ, ngực sườn đau nhức, men gan tăng cao, người bứt rứt khó chịu, khát nước môi khô, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng. Lúc này xét nghiệm có thể chức năng gan hoạt động kém, không thải độc được gây quáng gà, giảm thị lực. Ngoài vấn đề điều trị thuốc ra ta cần chú ý đến dinh dưỡng giúp mát gan, men gan hạ. Xin giới thiệu một số món ăn sau:
* Chè nha đam long nhãn: Nha đam 500g, long nhãn 150g, đường phèn 250g. Cách chế biến: Nha đam rửa sạch gọt sạch vỏ, cắt miếng vừa ăn trần qua nước sôi vớt ra cho vài lá dứa rửa sạch vào nồi cùng với nha đam đun với 1 lượng nước tùy theo, cho đường phèn vào tiếp đường tan cho long nhãn vào sôi 5 phút là được.
Món chè này rất tốt cho những người bị gan nóng, ruột nóng, 1 tuần ăn 3 bữa ăn nguội, làm cho thanh nhiệt, giải độc hết nóng trong, giúp cho gan làm việc tốt. Nha đam vị đắng, tính hàn có tác dụng thanh nhiệt, hỗ trợ tiêu hóa tốt.
Long nhãn vị ngọt, tính bình có tác dụng bổ máu an thần. Đường phèn thơm mát, ngon dịu, tốt cho hô hấp, tiêu hóa, mát gan. Nếu ai bị tiểu đường cần giảm số lượng đường phèn, thường xuyên theo dõi chỉ số đường huyết trong máu.
* Chè hạt sen táo đỏ: Hạt sen tươi 200g, táo đỏ khô 100g, đường phèn 200g.
Cách chế biến: Hạt sen bóc vỏ bỏ tâm cho vào nồi ninh hạt sen cho nhừ với 1 lít nước. Khi hạt sen chín cho đường phèn vào đun sôi hớt bọt, cho táo đỏ vào sôi 10 phút là được. Món chè này vừa bổ dưỡng, an thần lại có tác dụng thanh nhiệt giải độc làm mát gan, tiêu ứ.
Theo y học cổ truyền: Hạt sen có vị ngọt, tính bình, có tác dụng dưỡng tâm an thần, mát gan tiêu hóa tốt. Món chè là giúp cho dinh dưỡng khỏe mạnh, giúp gan hoạt động tốt. Có thể nấu hạt sen tươi hoặc khô. Tuần ăn 3 bữa.
BS Kim Ngân (Phòng khám Đa khoa phố Vĩnh Hồ, Hà Nội)