Nếu bị ho đàm loãng, gió lạnh bệnh tăng “do phế hàn” nên ăn vị ấm, bổ phế, tiêu đàm tốt nhất như: Rau mùi, kinh giới, tía tô, cải xoong, cải cay, húng quế, rau mầm, rau răm, hành, hẹ, kiệu, bí đỏ, đậu phụng, thì là, nghệ, gừng sả, tỏi, tiêu…Ăn thịt cá nạc, ít mỡ. Ăn trái cây như quít, táo, nho, dâu, mãng cầu, hồng xiêm. Nếu ho đàm nhiều nên dùng gừng, vỏ quít chưng mật ong ngậm uống. Nếu ho, xổ mũi dùng kinh giới, rau húng quế sắc uống, hoặc củ cải kho cá rô, cá trê tiềm gừng, ý dĩ. Các món ăn từ rau củ, thịt cá nên cho thêm gia vị cay ấm như gừng, hành, nghệ, tỏi.
Nếu bị ho khan, mặt hồng “do phế nhiệt” nên ăn vị bổ, mát phế tốt nhất như rau má, rau đay, rau ngót, giá đậu, cải cay, cải củ, bầu bí, rau giấp cá, rau diếp, đậu xanh, đậu bắp, đậu ván…Ăn trái cây như cam, bưởi, mơ, dâu, khế, sơ ri, uống nước mía. Nếu ho khàn tiếng nên ăn giá đậu luộc hoặc ép nước uống, củ cải nấu với nước mía uống, sơ ri ép nước uống, rau ngót nấu canh trai, hến; rau má nấu canh cá lóc, mùng tơi nấu canh cua, cá diếc hoặc cá lóc nấu canh tần ô, rau đắng luộc ăn.
Nếu bị ho, thở bụng đầy, tức ngực, ói đàm “do phế thực tích” nên ăn vị kiện tỳ, tiêu thực, bớt đàm như rau tía tô, rau mùi, hành, hẹ, kiệu, tỏi, kinh giới, quít, bưởi, gừng, lá mơ lông.
Nếu ho, thở khó do “suyễn” nên dùng cá ngựa sấy khô, tán bột, uống mỗi lần 5-10g. Nếu ho lâu ngày dùng đậu phụng hầm táo Tàu. Nếu ho tức ngực dùng cả cây đinh lăng sao vàng sắc uống. Nếu trẻ em ho đàm, khò khè dùng lá hẹ, gừng tươi chưng uống, hoặc bông khế, bông đu đủ đực, chưng mật ong ngậm uống.
Bệnh này nếu phế hàn kiêng thức ăn sống lạnh như cam, măng, cà, nước lạnh, nước dừa, kem lạnh. Nếu phế nhiệt, kiêng thức ăn cay nóng như tiêu, ớt, tỏi. Kiêng các món chiên xào thịt nướng rán, nhiều dầu mỡ, kiêng thức ăn kích thích như cà phê, thuốc lá. Nếu do thực tích, kiêng ăn đồ chiên xào, nhiều dầu mỡ, khó tiêu và không nên ăn quá no.
Lương y Nguyễn Văn Sáu (TT Y tế Bà Rịa)