Sự thành công của một ca phẫu thuật thì yếu tố chăm sóc và chế độ dinh dưỡng hợp lý đóng vai trò rất quan trọng. Dưới đây xin giới thiệu cách dinh dưỡng cho bệnh nhân sau phẫu thuật.
Bệnh nhân sau phẫu cần ăn đủ chất
Tùy theo từng loại phẫu thuật mà việc nuôi dưỡng sẽ khác nhau. Đối với bệnh nhân không có can thiệp phẫu thuật lên ống tiêu hóa, thông thường dinh dưỡng qua dịch truyền chỉ cần trong ngày đầu sau mổ, nếu bệnh nhân tự ăn được thì cho ăn bình thường thức ăn mềm, dễ tiêu hóa, giàu năng lượng, giàu dưỡng chất.
Bệnh nhân có can thiệp lên đường tiêu hóa, dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch ngay sau mổ, sau khi đánh hơi lúc nào thì bắt đầu cho ăn nước cháo, nước sữa với số lượng tăng dần, giảm dần dịch truyền, cho ăn cháo, sữa, và tăng dần số lượng, chất lượng, mức độ rắn của đồ ăn.
Bên cạnh đó sau phẫu thuật bênh nhân mất rất nhiều nước, cần được bổ sung nước lọc, nước trái cây, sữa đậu nành, súp, các thức ăn có nước. Lưu ý cần tránh các thức uống chứa caffeine, các thức uống lợi tiểu.
Ngoài ra, người nhà bệnh nhân cần chú trọng đến thực phẩm giàu chất xơ như trái cây tươi và rau xanh cung cấp đủ vitamin, khoáng chất, chống táo bón.
Giai đoạn đầu: 1-2 ngày sau mổ. Chủ yếu bù nước, điện giải, glucid, năng lượng cần thiết nuôi dưỡng cơ thể. Truyền đường và điện giải. Cho uống rất ít, nếu bệnh nhân bị trướng bụng nặng không nên cho uống. Bệnh nhân mổ ngoài hệ tiêu hoá cho uống ít một (50ml cách nhau 1 giờ) nước đường, nước luộc rau, nước quả.
Giai đoạn giữa: ngày 3-5 sau mổ. Cho ăn tăng dần và giảm dần truyền tĩnh mạch. Tăng dần năng lượng và protein. Bắt đầu 500Kcal và 30g protein, cứ 1-2 ngày tăng 250-500Kcal, đến khi đạt 2.000Kcal/ngày.
Nên dùng sữa pha nước cháo, tốt nhất là sữa bột tách bơ, sữa đậu nành. Ăn 4-6 bữa. Dùng nước thịt ép khi bệnh nhân không uống được sữa. Ăn thức ăn mềm, nhiều vitamin, hạn chế chất xơ.
BS Vũ Thị Lan Anh
khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông