Ông N.T.N. (Hà Nội) bị ung thư đã điều trị và vẫn phải theo dõi. Vừa rồi thấy phường lấy số liệu kê khai để tiêm văcxin phòng Covid-19, nhưng sợ bệnh của mình không tiêm được nên ông không đăng ký. Sau đó hỏi mấy nhà hàng xóm thấy ai cũng đăng ký thì ông lại ân hận.
Lời bàn: TS.BS Nguyễn Thanh Bình, Khoa Hóa trị liệu và Bệnh máu, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cho biết, khi có bất cứ thắc mắc nào liên quan tới sức khỏe, nên hỏi ý kiến bác sĩ. Bác sĩ điều trị có thể tư vấn về thời gian tiêm chủng liên quan đến việc điều trị ung thư của bệnh nhân. Tùy thuộc vào các phương pháp điều trị ung thư đang thực hiện, bác sĩ có thể có những cân nhắc đặc biệt khác cho bệnh nhân ung thư khi tiêm văcxin.
Điều quan trọng cần lưu ý là những bệnh nhân ung thư có xu hướng bị suy yếu hệ thống miễn dịch, điều này có thể làm cho văcxin kém hiệu quả hơn. Hiện tại, văcxin mRNA cung cấp khả năng bảo vệ 94 - 95% khỏi virus SARS-CoV-2, nhưng rất khó để biết liệu bệnh nhân ung thư có cùng mức độ đáp ứng đó hay không. Do đó, điều quan trọng là tất cả chúng ta phải tiếp tục tuân theo các khuyến nghị về an toàn trong một thời gian nữa, bao gồm vệ sinh tay đúng cách, tuân thủ các nguyên tắc về giãn cách xã hội và thể chất cũng như tiếp tục đeo khẩu trang ngay cả sau khi đã được tiêm phòng.