Căn nguyên sinh bệnh học của rụng tóc pelade còn chưa rõ. Yếu tố gene có vai trò quan trọng, nhưng rụng tóc được gây ra không chỉ do tổn thương gene đơn thuần. Cũng như các bệnh viêm khác, các yếu tố môi trường cũng có vai trò quan trọng trong sự khởi phát của bệnh. Nghiên cứu cơ chế bệnh sinh của bệnh rụng tóc pelade được tập trung vào 2 hướng chính: Vai trò của yếu tố miễn dịch và bản chất của bệnh học nang lông. Để điều trị có những phương pháp sau:
Điều trị tại chỗ bằng cách gây xung huyết da: Làm xung huyết bởi kích thích tại chỗ. Thường dùng để điều trị pelade khu trú. Các hóa chất thường dùng gồm cồn iode, axit acetic trong dung dịch Hoffmann, dầu cade trong vaseline, tuyết carbonic. Áp đến ban đỏ rõ nhưng không gây phỏng nước. Áp anthraline (0.5%) dưới dạng kem cho kết quả tốt trong điều trị pelade nặng.
Corticoit liệu pháp: Corticoit đường toàn thân làm mọc tóc gần như luôn luôn với liều cao (0,5 - 1mg/kg/ngày). Sự mọc tóc này có nguy cơ rụng lại và rụng nhanh khi giảm liều và có rất nhiều tác dụng phụ toàn thân trong trường hợp sử dụng kéo dài. Nó chỉ được chỉ định trong các trường hợp ngoại lệ. Bôi corticoit tại chỗ được sử dụng rộng rãi trong điều trị pelade từng đám. Bằng chứng về hiệu quả của chúng còn hạn chế. Tiêm dưới tổn thương dung dịch corticosteroit có thể có hiệu quả trong những trường hợp khu trú. Việc sử dụng corticosteroit tiêm dưới tổn thương đã được mô tả lần đầu tiên vào năm 1958 với việc sử dụng hydrocortisone. Đa số các tác giả đều đưa ra các kết quả mọc tóc lại ở 60 - 90% bệnh nhân thể từng đám. Điều trị bằng phương pháp này cần phải nhắc lại hằng tháng, vì vậy, có những tác dụng phụ không tránh khỏi (teo trung, thượng bì) và có nguy cơ bị mù trong những ca tiêm ở vùng thái dương và trán.
Minoxidil: Minoxidil là một chất gây giãn mạch máu ngoại u. Vào năm 1980 Zappacosta báo cáo trường hợp mọc tóc xảy ra ở một bệnh nhân bị rụng tóc androgenic và được điều trị cao huyết áp bằng minoxidil đường uống.
PUVA(Psoralene + Ultraviolet A): Ý tưởng đưa PUVA trị liệu vào điều trị pelade đầu tiên dựa trên sự ghi nhận tăng lông tóc ở một số bệnh nhân vẩy nến được điều trị bằng PUVA.
Một số phương pháp khác:
- Cồn HDM (hạt đậu miêu): Được chiết suất từ hạt đậu miêu, đã được BS Nguyễn Thái Điềm, GS Nguyễn Xuân Hiền, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 sử dụng bôi kết hợp chiếu UVB có hiệu quả nhất định.
- Cồn HDM kết hợp chloralsalicilic 2%: Tại Khoa Da liễu - Dị ứng, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 đã điều trị cho nhiều bệnh nhân có hiệu quả mọc tóc bình thường 82,93% sau 4 tháng. Nhìn chung điều trị bệnh rụng tóc pelade là vấn đề còn khó khăn và cá thể hóa trên từng bệnh nhân.
TS Bùi Thị Vân (Bệnh viện T.Ư Quân đội 108)