Điều trị hội chứng ruột kích thích

(khoahocdoisong.vn) - Hội chứng ruột kích thích không thể điều trị khỏi một cách hoàn toàn nhưng có thể làm giảm các triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống trong đó giảm đau từ 30-50%, kiểm soát các cơn đau cho người bệnh.

Hội chứng ruột kích thích là một rối loạn đường tiêu hóa mạn tính với các triệu chứng tái phát với mức độ nghiêm trọng khác nhau. Các biến chứng có liên quan đến chất lượng cuộc sống bị suy giảm, giảm chất lượng công việc, tăng chi phí điều trị và các vấn đề tâm lý có thể xảy ra như lo lắng và trầm cảm. Về điều trị, có phương pháp dùng thuốc và không dùng thuốc.

Điều trị không dùng thuốc

Chế độ sinh hoạt: Có chế độ làm việc khoa học, tránh bị stress trong cuộc sống, công việc. Luyện tập thể thao hợp lý, phù hợp sức khỏe. 

Chế độ ăn uống: Không bỏ bữa. Tránh ăn nhiều gia vị cay nóng. Không ăn nhiều dầu mỡ, đồ chiên rán, đồ tanh, nhiều đạm, nhiều bơ sữa, hoa quả ngọt. Không ăn thực phẩm bất thường dễ gây rối loạn tiêu hóa. Uống đủ nước. Không uống rượu bia, nước có ga. Tuy nhiên, cần lưu ý không thể áp dụng một cách máy móc cứng nhắc chế độ ăn kiêng cho tất cả các bệnh nhân mà phải phù hợp với từng người. Thức ăn nào gây rối loạn tiêu hóa, làm cho bệnh nặng lên thì hạn chế hoặc không dùng nữa. Tuy nhiên nếu quá kiêng khem, người bệnh sẽ bị suy dinh dưỡng. 

Có thể dùng tâm lý liệu pháp, châm cứu, bổ sung men vi sinh, tập thể dục. Bệnh nhân bị mắc hội chứng ruột kích thích thường tỏ ra bi quan, lo lắng đến bệnh tật của mình. Do đó thầy thuốc cần thiết lập mối quan hệ thầy thuốc - bệnh nhân, lắng nghe người bệnh, chia sẻ buồn phiền, cung cấp thông tin, tư vấn. 

Các biện pháp điều trị bằng thuốc

Đây là biện pháp điều trị dựa trên triệu chứng nổi trội của người bệnh. Mục tiêu điều trị: Theo triệu chứng nổi trội; Giảm được nhanh triệu chứng; Sử dụng thuốc tối thiểu. Nếu tiêu chảy dùng thuốc chống tiêu chảy như Loperamide, kháng thụ thể 5-HT3. Nếu táo bón, cần bổ sung chất xơ, thuốc nhuận tràng, bù dịch. Thuốc nhuận tràng như  Bisacodyl, Lactulose, Sorbitol, Polyethylen glycol (PEG), thuốc tác dụng thụ thể 5-HT4 (5-hydroxytryptamine-4).     

Để phòng ngừa hội chứng ruột kích thích, cần duy trì lối sống lành mạnh, kiểm soát stress, giảm lo âu và căng thẳng, tập luyện thể thao tùy theo sức khỏe. Hạn chế uống rượu, bia, cà phê, nước có gas. Tránh ăn thực phẩm sống, thực phẩm giàu chất béo, gia vị cay, nóng và không hợp vệ sinh. Không ăn quá nhiều, chia bữa ăn thành nhiều phần nhỏ trong ngày, không ăn đêm muộn. Nên có nhật ký theo dõi thức ăn để tìm mối liên quan giữa thực phẩm và các triệu chứng trên lâm sàng. Thay đổi chế độ ăn uống phù hợp và lối sống lành mạnh có thể là cách lâu dài để ngăn ngừa các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích.

 PGS.TS Nguyễn Duy Thắng (Viện trưởng Viện nghiên cứu và đào tạo Tiêu Hóa, Gan mật)

Theo Đời sống
back to top