3 bệnh viện cùng cứu thai nhi
Chị P.Đ.Q. (Hải Dương) mang thai ở tuần thứ 25,đi khám phát hiện tim thai đập quá nhanh 260 nhịp/phút. Đến bệnh viện tỉnh cấp cứu, bác sĩ thông báo dịch đã có trong màng bụng, không có cách gì điều trị được.
TS.BS Đinh Thúy Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán trước sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, thai nhi bị nhịp nhanh trên thất – một dị tật tim bẩm sinh hay gặp ở trẻ, tuy nhiên, nhiều nơi chưa thể tiếp cận và điều trị. Nhịp tim bình thường của thai là từ 120 – 160 nhưng ở trường hợp này là trên 260. Khi tim đập nhanh như vậy thì sẽ bị suy tim, phù gây nên tràn dịch ở bụng mẹ, rồi gây phù thai hoàn toàn.
Các bác sĩ đã hội chẩn liên viện với Bệnh viện Nhi T.Ư và quyết định dùng thuốc điều trị cho thai nhi với hy vọng là nhịp tim về bình thường thì tình trạng phù thai sẽ ổn định. May mắn, sau 1 tuần điều trị nhịp tim thai bắt đầu giảm, sau 2 tuần về bình thường và sau 5 tuần hết hoàn toàn phù thai.
Tuy nhiên, khi điều trị thuốc cho thai nhi nghĩa là thai phụ uống thuốc để điều trị cho con qua nhau thai tác động đến nhịp tim của em bé đồng nghĩa với việc tác động đến nhịp tim của mẹ. Khi chị Q. uống thuốc nhịp tim, con đỡ thì chị lại xuất hiện tình trạng khó thở, tim đập chậm. Khi các bác sĩ giảm liều điều trị, nhịp mẹ tốt thì nhịp tim thai lại tăng 240... nên rất vất vả điều chỉnh, theo dõi để bảo toàn tính mạng cho mẹ và bé.
Ca phẫu thuật bắt thai cho sản phụ Q. |
Nhưng ở tuần thứ 29 tuần, chị Q. xuất hiện tiểu đường thai kỳ, sang Bệnh viện Nội tiết khám chuyên sâu phải điều trị tiểu đường thai kỳ và phát hiện ung thư tuyến giáp.
Một cuộc hội chẩn liên viện giữa các bác sĩ Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, Bệnh viện Nhi T.Ư và Bệnh viện K đã được tổ chức để xem là tình trạng của chị Q. có thể tiếp tục giữ thai được không. Bởi lúc này, thai nhi mới 32 tuần, lấy non tháng rất nhiều nguy cơ nhưng nếu để 37 tuần (thời điểm tốt nhất cho thai nhi) thì ung thư của chị Q. sẽ nguy hiểm bởi phụ nữ có thai tiến triển ung thư sẽ nhanh hơn người thường...
Đến tuần thai thứ 36, tình trạng khó thở của chị Q. tăng lên, phải nằm thở oxy nên hội chẩn các bệnh viện quyết định phẫu thuật. Ca phẫu thuật do TTND.PGS.TS.BS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tiến hành. May mắn em bé nặng 2.600g đã chào đời khỏe mạnh.
Siêu âm phát hiện được tim bẩm sinh từ tuần thai thứ 18
TS.BS Đinh Thúy Linh cho biết, dị tât tim là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em, với tỷ lệ mắc khoảng 4 - 13/1.000 ca sinh sống. Theo báo cáo của Tố chức Y tế Thế giới (WHO) có 24% thai nhi tử vong do dị tật tim. Tại Việt Nam, mỗi năm cả nước có khoảng 10.000 - 12.000 trẻ sinh ra mắc bệnh tim bẩm sinh và một số trẻ mắc bệnh có thể không có triệu chứng hoặc có những biểu hiện rất nhẹ dễ bỏ sót.
Bất thường cấu trúc tim là bất thường thường bị bỏ sót trong số những bất thường hay gặp trong siêu âm trước sinh. Hiện đa số bệnh lý tim bẩm sinh có thể điều trị khỏi, giúp trẻ có cuộc sống khỏe mạnh. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện sớm, can thiệp kịp thời, đặc biệt là một số bệnh lý nếu không được hồi sức cấp cứu ngay sau sinh, trẻ sẽ không còn khả năng được cứu sống.
Vì vậy, siêu âm sàng lọc, chẩn đoán bệnh lý tim bẩm sinh ngay trong thời kỳ bào thai đóng vai trò hết sức quan trọng. Chính vì vậy, ngay khi mang thai, các bà bầu nên đi siêu âm tim thai để phát hiện sớm và điều trị bệnh lý tim bẩm sinh ở thai nhi nếu có.
Siêu âm chẩn đoán bệnh lý tim bẩm sinh trong thời kỳ bào thai là một kỹ thuật siêu âm nâng cao có thể sàng lọc và phát hiện dị tật tim bẩm sinh ở tuổi thai 18 tuần.
Khi phát hiện tim bẩm sinh ngay trong thai kỳ, sản phụ nên lựa chọn theo dõi, điều trị tại cơ sở y tế uy tín, đảm bảo hồi sức kịp thời cho trẻ.
3 thời điểm vàng trong siêu âm: Thai phụ nên đi khám thai, siêu âm theo đúng lịch hẹn của bác sĩ, đặc biệt không nên bỏ qua 3 thời điểm vàng trong siêu âm để phát hiện sớm các bất thường ở thai nhi. Theo đó, 3 thời điểm vàng để siêu âm, lần thứ nhất khi tuổi thai từ 12 – 14 tuần (12 tuần); lần thứ hai từ 21 – 24 tuần (22 tuần) và lần thứ ba, từ 28 – 32 tuần (32 tuần).