Điều ít người biết về 6 loài chim bạc má nổi tiếng nhất Việt Nam
T.B (tổng hợp)
Trong thế giới chim chóc, họ Bạc Má (Paridae) gồm những loài chim nhỏ giống chim sẻ, thường có hai dải lông màu trắng bạc ở hai bên mặt. Sau đây là các loài chim bạc má hiện diện ở Việt Nam.
Bạc má (Parus minor) dài 14-15 cm, là loài định cư, tương đối phổ biến tại Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc và Trung Trung Bộ. Ảnh: eBird.
Loài chim này sống ở rừng cây gỗ trống trải, rừng thông bên trong rừng lá rộng thường xanh, cây bụi ven biển, rừng phi lao, rừng ngập mặn, nơi canh tác, vườn nhà, ghi nhận đến độ cao 2.100 mét.
Bạc má xám (Parus cinereus) dài 13-14 cm, là loài định cư, tương đối phổ biến ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ.
Sinh cảnh của loài chim này là rừng khô rụng lá, rừng thông bên trong rừng lá rộng thường xanh, rừng ngập mặn, cây bụi ven biển, rừng phi lao, rừng trồng, vườn trong khu canh tác, ghi nhận lên đến độ cao 1.100 mét.
Bạc má bụng vàng (Parus monticolus) dài 12-15 cm, là loài định cư, tương đối phổ biến tại khu vực phía Bắc, Đông Bắc và Nam Trung Bộ (VQG Chư Yang Sin, Bidoup Núi Bà, các khu BTTN Du Già, Quản Bạ).
Loài chim này được ghi nhận ở rừng lá rộng thường xanh, rừng thông, rừng rụng lá, phân bố từ độ cao 900 - 2.650 mét.
Bạc má mào (Parus spilonotus) dài 13-16 cm, là loài định cư, tương đối phổ biến tại Tây Bắc, Đông Bắc, Trung Bộ (VQG Hoàng Liên Sa Pa, Tam Đảo, Bạch Mã, Chư Yang Sin, Bidoup Núi Bà, khu BTTN Du Già, Quản Bạ).
Loài chim này sống ở rừng lá rộng thường xanh, phân bố từ độ cao 800-2.750 mét, di chuyển xuống 600 mét tại Đông Bắc, thường kiếm ăn theo đàn hỗn hợp.
Bạc má rừng (Sylviparus modestus) dài 9-10 cm, là loài định cư, không phổ biến tại Tây Bắc, Trung và Nam Trung Bộ (VQG Hoàng Liên Sa Pa, Chư Yang Sin, Bidoup Núi Bà).
Sinh cảnh của loài chim này là rừng lá rộng thường xanh, phân bố từ độ cao 1.450-3.100 mét.
Mào vàng (Melanochlora sultanea) dài 19-21 cm, là loài định cư, phổ biến đến tương đối phổ biến tại Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc và Trung Trung Bộ (VQG Tam Đảo, Ba Vì, Cúc Phương, Bạch Mã).
Loài chim này sống ở rừng lá rộng thường xanh, bán thường xanh, rừng hỗn giao rụng lá, phân bố lên đến độ cao 1.700 mét, thường di chuyển theo đàn nhỏ.
Mời quý độc giả xem video: Bướm nghệ sĩ hóa trang | VTV7.