Điều hòa mùa nồm ẩm, dùng sao cho hợp lý?

Cuối xuân là thời gian nhiệt độ không khí đã nhích dần lên, tuy nhiên độ ẩm không khí cao nên nhiều gia đình muốn dùng điều hòa vừa làm mát nhẹ, vừa làm khô không khí, tránh cảm giác ngột ngạt, khó chịu vì bí ẩm. Các chuyên gia khuyến cáo việc sử dụng điều hòa mùa nồm ẩm cần chú ý đặt nhiệt độ và chế độ làm việc hợp lý vừa để tiết kiệm điện vừa đảm bảo sức khỏe.

Sử dụng điều hòa mùa nồm ẩm cần chú ý cài đặt nhiệt độ hợp lý, đảm bảo sức khỏe

Ưu tiên chế độ hút ẩm

Ở miền Bắc, kiểu thời tiết giao mùa vào cuối xuân xen kẽ thời gian oi nóng, có chút nắng ban ngày với chút se lạnh lúc đêm về sáng, cùng với đó là độ ẩm không khí cao khiến nhiều người rất dễ ốm, mắc bệnh hô hấp, truyền nhiễm, nhất là đối với người già, trẻ nhỏ, người có sức đề kháng kém. Vì thế, việc sử dụng điều hòa mùa nồm ẩm trong những ngày này cần hết sức chú ý, nên cài đặt nhiệt độ phù hợp để không quá chênh lệch với bên ngoài, khoảng 27 – 28 độ C là vừa. Và nên chú ý giữ ở mức ổn định đó, tránh tăng giảm hoặc bật tắt liên tục như vậy vừa ảnh hưởng đến hoạt động của máy, đồng thời tạo ra khoảng chênh lệch nhiệt độ thay đổi liên tục khiến cơ thể người khó thích nghi và dễ dẫn đến mắc bệnh.

Ngoài ra, vào thời điểm độ ẩm cao, không khí ẩm ướt ngột ngạt, có thể sẽ không cần điều hòa để làm mát, nhưng nếu có thể vẫn nên chọn sử dụng điều hòa ở chế độ hút ẩm, có tác dụng làm khô nhẹ không khí trong phòng, vừa làm mát phòng một cách hiệu quả và tiết kiệm năng lượng điện.

Cụ thể, TS Bùi Mạnh Tú, Khoa Công nghệ Năng lượng, Đại học Điện lực, phân tích: Chế độ làm lạnh “Cool” sẽ kiểm soát và duy trì thông số nhiệt độ, trong khi chế độ “Dry” sẽ duy trì thông số độ ẩm.Thực tế cho thấy khi chạy ở chế độ làm lạnh, nếu đặt nhiệt độ phòng thấp (16 độ C đến 18 độ C) độ ẩm trong phòng có thể xuống đến 40 – 50%, còn khi chuyển sang chế độ “Dry ” thì độ ẩm sẽ được duy trì từ 50 – 60%, tuỳ theo nhà sản xuất tại từng thị trường. Về cơ chế hoạt động thì ở chế độ này máy cũng hoạt động giống như khi đang chạy lạnh. Tuy nhiên, khi chuyển sang hoạt động ở chế độ hút ẩm, thì tốc độ gió thổi ra của quạt của dàn lạnh được tự động điều chỉnh về mức thấp nhất để tăng thời gian không khí tiếp xúc với dàn lạnh, hơi ẩm trong không khí sẽ ngưng tụ lại và đọng thành nước chảy ra hệ thống bên ngoài, nhiệt độ được điều chỉnh không xuống quá thấp để duy trì độ ẩm trong khoảng 50 – 60%. Nhờ đó năng lượng tiêu thụ của máy điều hoà sẽ ít hơn.

Chú ý lọc không khí

Theo KS Trương Văn Hùng, Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật Hùng Lâm, do thời tiết mùa này ẩm ướt nên không khí “độc” hơn, nhiều vi khuẩn, virus phát sinh, gây các bệnh hô hấp, truyền nhiễm. Vì vậy việc sử dụng điều hòa mùa nồm ẩm nên chú ý kết hợp lọc không khí. Nếu sử dụng máy điều hòa thế hệ mới có tích hợp thêm chức năng lọc và làm sạch không khí thì nên bật chức năng này lên, giúp bầu không khí sạch, tươi mới hơn. Với các tính năng lọc tiên tiến được tích hợp trong các dòng máy điều hòa không khí, các cảm biến phát hiện ra các chất độc hại, nồng độ các chất độc hại, các tạp chất lơ lửng trong không khí,….

Bộ tạo lọc tích hợp sẽ tạo ra hàng ngàn tỉ các hạt sạch có điện tích âm, thổi vào phòng; các ion âm này sẽ tiếp cận, phát hiện, dính với các hạt lơ lửng, virus hay vi khuẩn, rồi đưa chúng quay trở lại dàn lạnh của điều hoà. Tại đây, màng lọc với kích thước rất nhỏ, mịn, mang điện tích dương, trở thành bẫy giữ lại các hạt bẩn, virus, vi khuẩn,… Như vậy không khí thổi trở lại phòng ngoài việc được làm lạnh, còn được làm sạch.

Đối với các gia đình sử dụng điều hòa kiểu cũ, chỉ xử lý được về mặt nhiệt ẩm (làm lạnh, làm khô, sấy) mà không xử lý được các yêu cầu về vệ sinh, có thể dùng kết hợp thêm máy lọc không khí độc lập để mang đến bầu không khí trong lành, sạch sẽ.

Việc sử dụng điều hòa mùa nồm ẩm tốt nhất không nên quá lạm dụng, mà thay vào đó nếu có thể hãy mở cửa để đón nắng và gió thoáng, nhất là vào buổi sáng khi tiết trời mát mẻ và có ánh nắng sớm mai, vừa rất tốt cho sức khỏe đồng thời lại có thể giúp diệt vi khuẩn và ẩm mốc.

An Lê

Theo Đời sống
back to top