Theo đó, Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Thái Nguyên chủ trì, phối hợp với các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng rà soát, làm rõ các vấn đề liên quan đến đất rừng, đất khoáng sản trong phạm vi điều chỉnh thuộc xóm Mỏ Đá và xóm Núi Hột, xã Linh Sơn, TP Thái Nguyên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, làm cơ sở xem xét, phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung TP Thái Nguyên.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên đến năm 2035. Theo quy hoạch, về định hướng phát triển không gian, TP Thái Nguyên phát triển hai bên bờ sông Cầu, theo mô hình đô thị sinh thái, đa trung tâm gắn với việc hình thành các khu chức năng: Trung tâm lịch sử hiện hữu; trung tâm giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, thương mại - dịch vụ, tài chính - ngân hàng.
Quy hoạch chung của thành phố Thái Nguyên cũng bao gồm các khu cải tạo nâng cấp; khu phát triển mới; khu vực phát triển công nghiệp, logistic phía Bắc; khu vực du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp chất lượng cao; khu dự trữ phát triển và nông nghiệp đô thị. Xây dựng TP Thái Nguyên thành trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực của Quốc gia. Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng và cơ sở dạy nghề có quy mô đào tạo khoảng 200.000 - 220.000 sinh viên trên cơ sở quỹ đất khoảng 670 ha.
Về phát triển du lịch, quỹ đất dành cho dịch vụ du lịch khoảng 242 ha. Mục tiêu hình thành các khu, tuyến, điểm du lịch trong thành phố như: Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc, các điểm du lịch lịch sử, văn hóa, tâm linh tại khu vực trung tâm thành phố, thị trấn Chùa Hang và xã Linh Sơn, du lịch trên sông Cầu, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm tại vùng chè Tân Cương…, gắn với các tuyến du lịch đến các địa điểm thăm quan nổi tiếng trong khu vực, như: Khu di tích lịch sử cách mạng ATK Định Hóa, khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng, Vườn quốc gia Tam Đảo…