Tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 với 63 tỉnh, thành phố; 705 quận, huyện, thị xã; hơn 10.400 xã, phường, thị trấn trên cả nước, sáng 25/9, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã trình bày Hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” dự kiến sắp được ban hành.
Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: “Đây là văn bản quan trọng điều chỉnh toàn bộ chiến lược, phương thức để ứng phó với dịch COVID-19 trong thời gian tới.”
Hai mục tiêu chính
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết căn cứ hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới, kinh nghiệm của các nước, thực tiễn và các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đang xây dựng Hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” (Hướng dẫn).
“Hướng dẫn nhằm hai mục tiêu chính: Hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc và tử vong do COVID-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng người dân; khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19,” Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết.
Về các chỉ số và yêu cầu đánh giá, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết 3 chỉ số bắt buộc gồm: thứ nhất, ít nhất 80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19; thứ hai, 100% các trạm y tế xã, phường, thị trấn có oxy y tế và 100% các xã có kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động và Tổ chăm sóc người mắc COVID-19 tại cộng đồng; và thứ ba, các tỉnh, thành phố có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 theo mô hình tháp 3 tầng, bảo đảm tối thiểu 2% số giường hồi sức cấp cứu (ICU) trên tổng số ca bệnh theo dự báo tình hình dịch tại địa phương ở cấp độ 4 tại các cơ sở y tế của tỉnh/thành phố.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết các chỉ số phân loại cấp độ dịch gồm số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 dân/tuần; tỷ lệ người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều vaccine phòng COVID-19. Quy mô đánh giá cấp độ dịch và áp dụng các biện pháp thích ứng tại cấp xã, phường và có thể ở quy mô như tổ/đội, khu dân cư, khóm/ấp, thôn/xóm hoặc nhỏ hơn.
Mức đánh giá nguy cơ và cấp độ áp dụng gồm 4 cấp: Cấp 1 (nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh); cấp 2 (nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng); cấp 3 (nguy cơ cao tương ứng với màu cam); cấp 4 (nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ). Theo đó, chỉ số bắt buộc áp dụng nếu không đạt được chỉ số trên 80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vaccine, phải tăng lên 1 cấp độ dịch (trừ khi đang ở cấp độ 4 hoặc địa bàn không có ca mắc).
“Hiện nay, có nhiều tỉnh, thành phố không có ca mắc nhưng cũng phải áp dụng đánh giá cấp độ dịch này và để đánh giá cấp độ dịch cho phù hợp với tình hình mới, không chỉ áp dụng theo tỷ lệ tiêm. Đặc biệt đối với các xã/phường, nếu không có ca mắc vẫn áp dụng các hoạt động kinh tế-xã hội bình thường. Còn nếu không đạt được chỉ số thứ hai, thứ ba, không được giảm cấp độ dịch hiện tại,” Bộ trưởng Bộ Y tế nêu.
Áp dụng các biện pháp theo cấp độ dịch
Về thời gian đánh giá và chuyển tiếp giữa các cấp độ dịch, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết đánh giá cấp độ dịch hàng tuần và trong 2 tuần liên tiếp để quyết định chuyển cấp độ dịch và thời gian chuyển tiếp giữa các cấp độ dịch trong vòng 72 giờ.
Về các biện pháp áp dụng theo cấp độ dịch, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu đối với chính quyền, cơ quan, đơn vị, tổ chức, các biện pháp hành chính bao gồm hoạt động tập trung ngoài trời, trong nhà; giao thông công cộng; lưu thông vận chuyển hàng hóa; hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng/quán ăn, các dịch vụ không thiết yếu; hoạt động giáo dục, đào tạo; hoạt động cơ quan, công sở; hoạt động văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, đám tang, đám cưới, thể dục, thể thao, tham quan du lịch, các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, phát động…
Các biện pháp y tế bao gồm đáp ứng của hệ thống y tế; giám sát; xét nghiệm; truy vết; cách ly y tế; tiêm chủng vaccine; điều trị và các biện pháp khác như thông tin truyền thông; an sinh xã hội; an ninh, an toàn, trật tự xã hội; ứng dụng công nghệ thông tin…
Các biện pháp đối với người dân bao gồm tuân thủ Thông điệp 5K của Bộ Y tế; tham gia hoạt động tập trung ngoài trời, trong nhà; đi lại; học tập; đến trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng/quán ăn; tham gia các hoạt động văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, đám tang, đám cưới, thể dục, thể thao, tham quan du lịch, các sự kiện văn hóa nghệ thuật, phát động; các dịch vụ không thiết yếu; đi lại của người dân giữa các địa bàn có cấp độ dịch khác nhau; tự lấy mẫu xét nghiệm; điều trị tại nhà.
Nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp căn cứ vào tình hình dịch quyết định cấp độ dịch và các biện pháp thích ứng an toàn; chỉ đạo việc đáp ứng các chỉ số bắt buộc, đánh giá mức độ đáp ứng theo quy mô xã/phường. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cấp dưới báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cấp trên một cấp khi đánh giá nguy cơ dịch ở cấp 4 và các biện pháp áp dụng. Trường hợp các tỉnh, thành phố áp dụng quy định riêng phải báo cáo Ban Chỉ đạo Quốc gia.
Bên cạnh đó, việc tăng giảm các cấp độ dịch không được đột ngột, thực hiện trong thời gian 72 giờ. Việc lựa chọn một số biện pháp không cao hơn hoặc thấp hơn một cấp so với cấp độ dịch đang thực hiện để nới lỏng hoặc tăng cường do Ban Chỉ đạo cấp trên một cấp quyết định.
Cùng với đó, Ban Chỉ đạo Quốc gia sẽ tiếp tục đánh giá, chỉnh sửa Hướng dẫn phù hợp với từng giai đoạn. Căn cứ vào Hướng dẫn này, các tỉnh, thành phố phổ biến, truyền thông, tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát việc thực hiện đến cấp cơ sở; thay thế cho Chỉ thị 15, Chỉ thị 16, Chỉ thị 19 và Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG ngày 31/5/ 2021 của Ban Chỉ đạo Quốc gia.
“Đây là văn bản quan trọng điều chỉnh toàn bộ chiến lược, phương thức để ứng phó với dịch COVID-19 trong thời gian tới,” Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Người dân tự lấy mẫu xét nghiệm nhanh theo yêu cầu
Theo Hướng dẫn mới, một số điểm đáng lưu ý như, việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa nội tỉnh, liên tỉnh được phép hoạt động ở cả 4 cấp độ nhưng phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Người vận chuyển hàng bằng xe máy sử dụng công nghệ có đăng ký được hoạt động có 2 điều kiện (tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 hoặc được xét nghiệm định kỳ).
Cơ sở sản xuất kinh doanh, khu/cụm công nghiệp, khu chế xuất xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người lao động ít nhất 7 ngày/lần (thay vì 3 ngày/lần như trước đây) đối với ít nhất 20% người lao động có nguy cơ cao. “Các doanh nghiệp tự xét nghiệm và tự chịu trách nhiệm kết quả này,” Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Ngoài ra, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh nông, lâm, ngư nghiệp; công trình giao thông, xây dựng; chợ đầu mối, chợ bán lẻ… đảm bảo phòng, chống dịch ở tất cả các cấp đều được phép hoạt động. “Người đến/về từ địa phương có mức độ dịch ở cấp 3, cấp 2, cấp 1 được đi lại bình thường. Theo nguyên tắc, không được phép đến/về từ địa phương có mức độ dịch ở cấp 4, trừ lý do đặc biệt và phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Đây là điểm đáng lưu ý,” Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, ngoài việc tuân thủ Thông điệp 5K, ứng dụng công nghệ thông tin trong khai báo y tế, tiêm vaccine..., mọi người dân sẽ tự lấy mẫu xét nghiệm bằng test kháng nguyên nhanh theo yêu cầu của cơ quan y tế hoặc khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở...
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Hướng dẫn tạm thời cần cập nhật đầy đủ về tình hình dịch COVID-19 trên cả nước cũng như sự chủ động về nguồn sinh phẩm xét nghiệm, thuốc điều trị... Tuy nhiên, mức độ dịch ở các địa phương rất khác nhau, do đó, các địa phương phải chủ động góp ý Hướng dẫn tạm thời để thực hiện thuận lợi hơn.
Đề nghị bổ sung quy định vùng phong tỏa với biện pháp xét nghiệm khác với các vùng nguy cơ khác, Phó Thủ tướng cho rằng, các tỉnh, thành phố phải là cấp chịu trách nhiệm về Trạm y tế lưu động, phòng khi cấp dưới có quá nhiều ca mắc COVID-19, trạm y tế cơ sở không kịp ứng phó...; đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, tạo điều kiện để các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh miền núi phía Bắc, nếu cần thiết, mở thêm kênh truyền hình địa phương để phục vụ giáo dục học sinh dân tộc thiểu số trong hoàn cảnh bị ảnh hưởng của dịch, không thể đến trường.
“Chúng ta phải phòng tình huống xuất hiện các ổ dịch mới ở nhiều địa phương, nếu không dập ngay từ sớm sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát. Vì vậy, những địa phương chưa bị nặng phải tăng cường sàng lọc ở những nơi có nguy cơ cao như bệnh viện, chợ, bến xe...,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đồng thời, ý kiến của lãnh đạo các địa phương như Kiên Giang, Đà Nẵng… cho rằng, trong bối cảnh diễn biến phức tạp, không thể thực hiện phong tỏa lâu dài trên diện rộng, do không đủ nguồn lực đảm bảo cuộc sống người dân, giải quyết khó khăn của doanh nghiệp. Do đó, các ý kiến thống nhất cao với Hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19,” đặc biệt quy mô xác định nguy cơ và các biện pháp ứng phó; đồng thời đề nghị sớm ban hành hướng dẫn trên tinh thần “vừa làm vừa hoàn thiện, điều chỉnh” do công tác phòng, chống dịch chưa từng có tiền lệ.
Cũng tại cuộc họp, các ý kiến bộ, ngành, địa phương cho ý kiến về việc xây dựng ứng dụng duy nhất phục vụ phòng, chống dịch COVID-19. Thứ trưởng Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng báo cáo về ứng dụng “Phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia có tên PC-COVID” dự kiến ban hành trong thời gian tới.
Hiện Việt Nam đang có khoảng 12 ứng dụng phòng, chống dịch COVID-19, trong đó, có nhiều ứng dụng do các địa phương tự phát triển, chưa liên thông được dữ liệu, phục vụ công tác phòng, chống dịch chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, vừa qua Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Bộ Công an đã phối hợp với một số đơn vị doanh nghiệp như VNPT, Viettel, BKAV tiến hành khẩn trương xây dựng ứng dụng duy nhất phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 (PC-COVID).
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết dự kiến, ứng dụng PC-COVID dự kiến có các tính năng chính: Cấp, quản lý mã QR cá nhân và địa điểm; cho phép quét mã QR khi đến các địa điểm công cộng; khai báo y tế; khai báo di chuyển nội địa; phản ánh của người dân; thông tin tiêm vaccine, xét nghiệm; truy vết tiếp xúc gần; bản đồ nguy cơ./.