Ăn thực phẩm kích thích nhu động ruột
Táo bón là một trong các triệu chứng của bệnh đường ruột, bệnh trĩ, bệnh dạ dày, nhưng thường là do rối loạn chức năng ruột, với biểu hiện tăng khoảng thời gian giữa các lần đi đại tiện so với mức sinh lý bình thường hay thường xuyên không đi hết phân.
Khi cố rặn cũng làm tăng áp lực máu nên rất nguy hiểm cho người cao huyết áp, người bị bệnh tim mạch (dễ bị đột quỵ). Táo bón lâu ngày có thể gây nên ung thư trực tràng. Nguyên nhân chính dẫn đến chứng táo bón chủ yếu là chế độ ăn uống không hợp lý, do vậy, chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn đã có cải thiện đáng kể.
Các thức ăn có nhiều chất xơ: Rau xanh, hoa quả, trái cây khô, hạt ngũ cốc, bánh mỳ đen, gạo lứt. Các thức ăn này chứa nhiều chất xơ và chất pectin tạo điều kiện thuận lợi cho các chủng vi khuẩn có lợi trong đường ruột phát triển, ức chế các quá trình gây thối, ngoài ra các chất độc hại sẽ bám vào các chất xơ và được thải ra ngoài cơ thể.
Ngoài ra, ăn các chất này làm tăng khối lượng phân - kích thích lên thành ruột, gây tăng nhu động ruột và gây cảm giác mót đi ngoài. Cám gạo cũng rất tốt cho những người bị táo bón, 1 - 2 thìa càphê/bữa, cho lẫn vào cơm, cháo hoặc pha với nước sôi.
Magiê có vai trò quan trọng trong việc tăng cường nhu động ruột. Nên ăn các thức ăn có chứa nhiều magiê như sữa, kê, đậu đũa, khoai lang và một số loại rau như rau đay, rau rền, mùng tơi, rau khoai lang, củ quả (khoai sọ, đu đủ xanh, chuối tiêu).
Không ăn các chất làm cản trở sự kích thích nhu động ruột như hạt tiêu, ớt cay, nước chè đặc, ca cao, rượu nho đỏ. Hạn chế uống rượu, cà phê, hút thuốc lá. Các thức ăn nóng, các thức ăn tinh chế như cháo, xúp đặc (khoai tây, cà rốt nghiền…), các thức ăn nhanh. Các thức ăn có chứa tinh dầu (tỏi, hành, củ cải), nấm, các đồ rán...
Uống đủ nước
Uống không đủ nước dẫn đến giảm tỷ lệ nước trong thành phần của phân và gây táo bón. Bình thường trong thành phần của phân chứa khoảng 75 - 78% nước. Nếu tỷ lệ nước trong phân giảm xuống còn 50% đã làm khối phân khó khăn di chuyển theo ruột già, còn nếu tỷ lệ nước trong phân xuống còn 20% thì khối phân hoàn toàn bị tắc. Do đó, mỗi ngày một người uống khoảng 1,5 - 2 lít gồm nước có canh và nước uống ở các dạng khác nhau (nước đung sôi để nguội, nước chè, nước hoa quả…).
Muốn phòng ngừa táo bón phải ăn phải đúng giờ, tốt nhất là ăn rải bữa (4 - 5 bữa/ngày), trước khi đi ngủ nên ăn một cốc sữa chua có tác dụng cải thiện chủng vi khuẩn có lợi trong ruột. Duy trì đi đại tiện 1 lần/ngày, đi đúng giờ, tốt nhất là rèn thói quen đi vào buổi sáng hoặc chiều tối khi không vội vã. Khi đã có cảm giác mót đi thì dù bất cứ bởi nguyên nhân nào cũng không được nhịn.
Nếu có thói quen đi đại tiện buổi sáng thì ngay sau khi ngủ dậy uống một cốc nước lạnh (nước sôi nguội, nước khoáng, nước quả) sẽ có tác dụng kích thích nhu động ruột. Nếu phải dùng thường xuyên một trong các loại thuốc có thể gây táo bón thì có thể phải dùng thêm thuốc nhuận tràng.
Tăng cường vận động
Tăng cường vận động, tích cực tập luyện thể dục thể thao, đặc biệt là các bài tập rèn sức bền như đi bộ nhanh, chạy cự ly dài, bơi, cầu lông) sẽ cải thiện đáng kể tình trạng của các bệnh đường tiêu hóa trong đó có chứng táo bón. Trong khi tập luyện, sự chuyển động của các cơ quan nội tạng cải thiện đáng kể chức năng của ruột (ruột được xoa bóp), tăng cường trương lực thành ruột, tăng tiết vào thành ruột muối magiê làm tăng nhu động ruột và phục hồi chức năng tiêu tháo của ruột. Ngoài ra, thường xuyên xoa nhẹ ở vùng bụng, xoa với khăn lạnh sẽ có tác dụng tăng cường nhu động ruột, tăng cường chức năng tiêu tháo của ruột.
ThS Thanh Tâm (Hội Đông y Việt Nam)