Trong 3 tuần gần đây, liên tiếp các bản tin của Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) phát đi các bản tin động đất ở Kon Tum. Dù chỉ là những trận động đất yếu, nhưng xảy ra liên tục, khiến người dân không khỏi lo lắng.
Vị trí liên tiếp xảy ra động đất ở Kon Tum. |
Lặp lại kịch bản Sông Tranh 2?
Theo các bản tin động đất của Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo song thần, Viện Vật lý Địa cầu, trận động đất đầu tiên ghi nhận tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum vào tối 4/4 với độ lớn 3,6 độ richter. Ngay sau đó, liên tiếp các trận động đất nhỏ xảy ra tại tỉnh Kon Tum. Mới nhất, ngày 21/4, hai trận động đất đã xảy ra tại huyện Kon Plông với độ lớn lần lượt là 2,6 và 2,8 độ richter. Trong 18 ngày, Kon Tum ghi nhận tổng cộng 10 trận động đất. Đây là các trận động đất nhỏ, ít khả năng gây thiệt hại về người và của nhưng xảy ra với tần suất cao. Ngoài Kon Plông có số trận động đất nhiều nhất, các huyện khác của tỉnh Kon Tum cũng ghi nhận hiện tượng này như Đăk Hà, Ngọc Hồi, Kon Rẫy.
TS Nguyễn Xuân Anh, Giám đốc Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo sóng thần cho biết, Trung tâm vẫn đang theo dõi chặt chẽ các trận động đất này. Về nguyên nhân phát sinh các trận động đất liên tục tại Kon Tum, nhiều khả năng xảy ra trong vùng ảnh hưởng của một đới đứt gãy đang hoạt động có tên là Rào Quán - A Lưới. Đây là đới đứt gãy hoạt động rất mạnh, xuất phát từ Lào, chạy qua Thừa Thiên - Huế, kéo dài xuống Quy Nhơn (Bình Định). Trên đới đứt gãy này từng ghi nhận động đất kích thích xảy ra khi Thủy điện sông Tranh 2 tích nước vào năm 2011 với hàng loạt các trận động đất được ghi nhận, trong đó trận động đất lớn nhất lên tới 4,7 độ richter. Trong một thời gian dài, động đất gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân trong khu vực. Đến nay, các trận động đất kích thích vẫn được ghi nhận tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2.
Cũng trên đới đứt gãy này, từng ghi nhận động đất kích thích xảy ra tại thủy điện Đăk Đrinh (Quảng Ngãi) vào năm 2014, khi người dân sống trong khu vực gần hồ chứa nhà máy thủy điện thường nghe thấy những tiếng nổ phát ra từ lòng đất vào ban đêm, gây rung chấn nhà dân ở quanh hồ. Tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, nơi ghi nhận hàng loạt trận động đất thời gian gần đây có Nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum mới đưa vào vận hành và phát điện tổ máy số 1 vào 24/3/2021, chính thức được triển khai tích nước vào ngày 26/2/2020.
Làm rõ bất thường
Theo Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu Nguyễn Xuân Anh, động đất là hình thái thiên tai phức tạp, có nhiều tính chất phi tuyến nên cần tiếp tục theo dõi và xử lý khi có việc bất thường. Về an toàn các hồ chứa các hồ đập lớn đã đánh giá trước và sau khi tích nước nhưng động đất kích thích vẫn xảy ra. Do vậy, với hệ thống hồ đập nhỏ, cũng cần phải rà soát, đánh giá, nhất là trong bối cảnh biến đổi phức tạp như hiện nay. Với các hồ thủy điện Sơn La, Lai Châu, hiện Viện Vật lý địa cầu đang có khoảng 30 trạm quan trắc ở các địa phương. Đây là những nguồn số liệu để EVN vận hành đảm bảo an toàn hồ thủy điện. Tuy nhiên, với các hồ chứa mới đưa vào khai thác vận hành, việc lắp các trạm quan trắc động đất vẫn chưa được chú trọng.
Về động đất xảy ra liên tiếp ở Kon Tum sau khi hồ chứa tích nước, lại xảy ra trên đới đứt gãy từng ghi nhận động đất kích thích. Vì vậy, cần nhanh chóng tổ chức các đoàn khảo sát, đánh giá tại khu vực xảy ra động đất để có những nhận định, khuyến cáo chính xác cho người dân và chính quyền địa phương. Hiện các nhà khoa học đã xây dựng được bản đồ các đứt gãy hoạt động và xác định được nơi nào không có đứt gãy. Do đó, việc xác định một địa điểm nào có khả năng xảy ra động đất hay không là khá đơn giản. Thông thường thì nơi không có đứt gãy thì hiếm có khả năng xảy ra động đất.
Theo TS Lê Huy Minh, nguyên Giám đốc Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo sóng thần, không giống như Tây Bắc và một số nơi khác của nước ta, khu vực Tây Nguyên rất ít ghi nhận động đất. Vì vậy, động đất liên tiếp xảy ra thời gian gần đây là vấn đề đáng quan tâm, cần được xem xét, khảo sát.