Điện rác: Thân thiện môi trường, trăn trở của nhà đầu tư

(khoahocdoisong.vn) - Ưu điểm lớn nhất của công nghệ đốt rác phát điện là góp phần xử lý rác thải đô thị và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nhưng về mặt hiệu quả đầu tư, công nghệ này có kết quả thấp hơn so với các công nghệ phát điện thông dụng hiện nay.

Công nghệ của tương lai

Theo Bộ TN&MT, mỗi năm Việt Nam thải ra 25 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó, 30% được xử lý đốt hoặc sản xuất phân hữu cơ, 70% chôn lấp trực tiếp. Tuy nhiên, lượng rác thải được xử lý bằng cách chôn lấp hoặc đốt vẫn sản sinh ra lượng khí thải độc hại rất lớn, gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, các chất thải sẽ rỉ nước, ngấm vào lòng đất gây ô nhiễm đất, ô nhiễm nguồn nước.

Trong khi đó, trên thế giới hiện nay, các nước đang tìm cách để xử lý, biến rác thải thành tài nguyên. Thậm chí, ở Đức còn có một ngành kinh tế chất thải thu hút sự đầu tư của hàng ngàn doanh nghiệp với doanh thu hơn 50 tỷ Euro/năm.

Trong các phương án xử lý thải hiện nay, đốt rác phát điện (điện rác) đang là công nghệ tối ưu trong việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Công nghệ này được sử dụng rộng rãi tại nhiều nước phát triển như Nhật Bản, EU… bởi vừa giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường lại có thể thu hồi năng lượng.

Bản chất của phương án này là phân loại và chế biến chất thải khó phân hủy thành viên nhiên liệu và đốt nó trong các lò khí hóa để sinh ra nhiên liệu khí dưới dạng khí đốt tổng hợp (syngas). Còn chất thải dễ phân hủy đưa vào hầm ủ sinh khối để sản xuất ra khí đốt dưới dạng khí sinh học (biogas). Hai loại khí này có thể trộn với nhau để thành nhiên liệu khí được đốt trong động cơ đốt trong để phát điện.

Giới chuyên gia nhìn nhận, công nghệ điện rác không chỉ xử lý triệt để nhất vấn đề rác thải hiện nay tại Việt Nam, mà nếu có đầu tư tốt, nó còn có thể đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu hàng đầu về dây chuyền đặc biệt này ra các nước trong khu vực và trên thế giới.

Theo TS Mai Huy Tân, Giám đốc Công ty TNHH Nhịp cầu Việt Đức – VIDEBRIDGE, tương lai không xa, chiến lược phát triển xanh và bền vững của nền kinh tế Việt Nam đòi hỏi sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ môi trường, kể cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Nhờ công nghệ điện rác, các bãi rác cũ sẽ được hoàn nguyên thành công viên cây xanh hoặc đất sản xuất công nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường đất, không khí, nước mặt, nước ngầm. Ngoài ra, còn có thể cung cấp năng lượng xanh tái chế và tái sử dụng vật liệu hữu ích được phân loại từ rác. Từ đó, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu.

Doanh nghiệp thăm dò

Tại Việt Nam, Chính phủ, Bộ TN&MT cũng đang khuyến khích các địa phương đủ điều kiện chuyển sang đốt rác phát điện. 

Ngày 28/8/2019, Công ty cổ phần Vietstar (Vietstar) đã khởi công dự án nhà máy điện rác trị giá 400 triệu USD tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (Củ Chi, TPHCM). Tại Cần Thơ, nhà máy điện rác của Công ty TNHH Năng lượng Môi trường EB có công suất thiết kế là 400 tấn/ngày đêm, đã hoạt động từ tháng 11/2018….

Nhiều địa phương cũng tổ chức triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng các nhà máy điện rác như: Dự án nhà máy điện rác Vĩnh Tân công suất 600 tấn/ngày, công suất phát điện 30MW,  Nhà máy điện rác Sóc Sơn công suất 4.000 tấn/ngày, công suất phát điện 75MW, Nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt phát điện Trạm Thản công suất 500 tấn/ngày…

Tuy nhiên, theo dữ liệu ban đầu của một số dự án tại Việt Nam đã được phê duyệt và chờ phê duyệt thì suất đầu tư cho các nhà máy điện – rác nằm trong khoảng 3,5 đến 4 triệu USD/1MW điện.

Trong khi đó, giá điện bán lên lưới cho loại hình dự án này được nhà nước ưu đãi là 10,05 cents/1kWh, nhà đầu tư có lãi. Nhưng giá mua điện mới chỉ áp dụng đối với các dự án phát điện đốt chất thải rắn trực tiếp và đối với các dự án phát điện đốt khí thu hồi từ bãi chôn lấp chất thải. Trong khi đó, có nhiều công nghệ mới trong lĩnh vực điện rác như: Khí hóa phát điện, đốt phát điện, lên men tạo khí biogas phát điện… nhưng giá mua điện chưa được quy định rõ ràng, đầy đủ.

Hơn nữa, các công nghệ điện rác hiện nay cũng mới chỉ đạt hiệu suất chuyển đổi năng lượng từ 20 đến 30%.  Do công suất điện phát lên lưới quốc gia cũng sẽ ở nhỏ nên thời gian thu hồi vốn của các dự án này thường từ 10 đến 20 năm. 

Bên cạnh đó, yêu cầu về hệ thống xử lý rác cần đồng bộ, khép kín, tránh gây ô nhiễm môi trường nên chi phí xây dựng cao. Khi vận hành cần chi phí lớn, phải bảo trì thường xuyên và tuổi thọ thiết bị ngắn hơn so với các dự án nhiệt điện đốt than….

Có thể thấy, so với các loại hình công nghệ sản xuất điện năng khác, điện rác không thực sự chiếm ưu thế về hiệu quả năng lượng cũng như hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, giá trị mà công nghệ này mang lại không phải là tính kinh tế mà là góp phần đem lại một môi trường sạch, là một giải pháp giúp cho quá trình xử lý rác thải mang tính hiệu quả cao hơn. Vì vậy, để khuyến khích các nhà đầu tư, cần có một cơ chế chính sách đặc thù cho điện rác.

Theo Đời sống
back to top