Mới đây, Bộ Công thương đã liên tiếp phát văn bản gửi các Bộ KHĐT, Tài chính, TNMT, Quốc phòng... để lấy ý kiến về việc nhiều địa phương, chủ đầu tư xin bổ sung một số dự án điện gió vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Đáng chú ý các dự án này lại tập trung nhiều vào một số địa phương, và nhiều bộ hồ sơ do Viện Năng lượng (Bộ Công thương) làm đơn vị lập dự án có dấu hiệu sao chép hồ sơ thuyết minh, thậm chí còn sao chép cả lỗi.
Phát triển “nóng”...
Thực tế, việc phát triển nóng các dự án điện gió, điện năng lượng mặt trời trong thời gian qua đã khiến quá tải hệ thống truyền tải. Vì vậy, Bộ Công Thương đã yêu cầu Tập đoàn điện lực VN (EVN) sớm triển khai thực hiện việc bổ sung, điều chỉnh một số dự án lưới điện, trạm biến áp... nhằm giải tỏa công suất cho các dự án điện mặt trời, điện gió tại khu vực Nam Trung bộ và đồng bằng sông Cửu Long.
Chẳng hạn, tại khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận, Chính phủ giao Bộ Công Thương và EVN làm việc và thống nhất với chính quyền 2 tỉnh này về giải pháp đầu tư các công trình truyền tải. Qua đó giải phóng toàn bộ công suất các dự án này trong thời gian trước năm 2020. Yêu cầu cụ thể là phải bổ sung trạm biến áp 500/200 kV Thuận Nam, đường dây 500 kV Thuận Nam - Vĩnh Tân. Đồng thời là bổ sung 2 đường dây 200 kV mạch kép Ninh Phước - Vĩnh Tân và Ninh Phước - Thuận Nam vào danh mục đầu tư trước năm 2020. Đặc biệt, 4 công trình lưới điện 220 kV và 5 công trình lưới điện 110 kV có kế hoạch duyệt đầu tư trong giai đoạn từ năm 2021 - 2025 cũng phải rút ngắn thời gian đầu tư, thực hiện ngay trong giai đoạn này. Dẫu thế, ý kiến một chuyên gia cho rằng, rất khó triển khai lập tức các dự án truyền tải điện.
“Trình tự thủ tục để thực hiện một dự án công không dễ. Nếu bây giờ khởi công thì nhiều dự án đường dây phải năm sau mới vào được. Khi đó, nếu các nhà đầu tư điện mặt trời, điện gió làm thật để hưởng cơ chế giá ưu đãi thì không lo chuyện đường dây bị thừa” - chuyên gia này phân tích. Chuyên gia này cũng cho rằng, từ giữa năm 2018, trước thực tế có quá nhiều dự án điện mặt trời được đầu tư, Chính phủ khi ấy đã có văn bản yêu cầu Bộ Công Thương và các địa phương bổ sung các dự án vào quy hoạch cần được xem xét một cách tổng thể để đảm bảo tính minh bạch trong quản lý quy hoạch, phù hợp cung - cầu điện, khả năng đấu nối… Song, đến hết năm 2018, số dự án điện gió, điện mặt trời được phê duyệt vào quy hoạch lên đến gần 8.000 MW, cao gấp gần 5 lần mục tiêu 1.650 MW mà Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh đề ra.
...từ sự “cẩu thả”?
Theo thống kê, chỉ riêng trong tháng 01/2019, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đã có khoảng 17 văn bản tham vấn ý kiến các bộ KHĐT, TNMT, Tài chính, Xây dựng, NNPTNT, EVN... về việc bổ sung các dự án điện gió bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.
Khoan hãy nói về ý kiến của các Bộ và các cơ quan chức năng khác về các dự án này như thế nào, nếu căn cứ vào các Thông tư trên, có thể thấy hồ sơ thuyết minh dự án được lập dựa trên các kết quả nghiên cứu, khảo sát thực tế, và mang tính chất dự báo và tầm nhìn chiến lược trong quy hoạch. Đây là những công trình khoa học nên các hồ sơ phải chứa đựng các thông tin như: Sự cần thiết phải đầu tư xây dựng dự án, các điều kiện thuận lợi và khó khăn, chế độ khai thác và sử dụng tài nguyên quốc gia (nếu có); vị trí, quy mô, diện tích xây dựng công trình, các hạng mục công trình thuộc dự án; các nội dung về quy hoạch ngành, quy hoạch địa phương; sơ bộ các giải pháp thực hiện, phương án kỹ thuật, công nghệ và công suất, phương án đấu nối, phương án lắp đặt thiết bị, tiến độ thực hiện và hình thức quản lý dự án; đánh giá tác động môi trường, các giải pháp phòng cháy, chữa cháy và các yêu cầu về an ninh, quốc phòng; phân tích đánh giá hiệu quả kinh tế - tài chính, hiệu quả xã hội của dự án;…
Tuy nhiên, theo kết quả thống kê của PV trong khoảng 15 hồ sơ thuyết minh thì có đến 10 hồ sơ có dấu hiệu sao chép, nhiều trang giống nhau đến từng câu chữ, thậm chí “lỗi”… cũng giống nhau!
Cụ thể, tại tỉnh Bạc Liêu: Dự án Cụm nhà máy điện gió Hòa Bình 1 – GĐ2, Hòa Bình 2, Hòa Bình – Minh Dương, Đông Hải 1 – GĐ2, Cụm dự án Đông Hảo 3, Kosy Đông Hải (lập vào tháng 1/2019) nhà đầu tư gồm 3 doanh nghiệp là Công ty TNHH Năng lượng Bắc Phương, Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư Công nghệ Ecotech Việt Nam và Công ty cổ phần Đầu tư điện gió Hòa Bình; Dự án Cụm nhà máy điện gió Kosy Bạc Liêu 1,2,3,4 (lập vào tháng 1/2019), nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Tập đoàn Kosy, người đại diện là ông Nguyễn Việt Cường. Hồ sơ thuyết minh của các dự án này có nhiều đoạn giống nhau đến từng câu chữ.
Không chỉ có vậy, tại tỉnh Cà Mau, các hồ sơ: Dự án Nhà máy điện gió Tân Hải (lập vào tháng 1/2019), nhà đầu tư là Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô, người đại diện là ông Nguyễn Trọng Thông. Hồ sơ thuyết minh của các dự án này cũng đều có nhiều đoạn giống nhau đến từng câu chữ!
Ngoài ra, một số dự án nhà máy tại Khánh Hòa, Ninh Thuận, Tây Ninh dù là các địa phương khác nhau nhưng hồ sơ thuyết minh của các dự án này cũng có nhiều đoạn giống nhau đến từng câu chữ, như: Dự án Nhà máy điện năng lượng mặt trời Tân Hòa Hà Đô (lập tháng 10/2017), nhà đầu tư là Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô, người đại diện là ông Nguyễn Trọng Thông; Dự án Nhà máy điện mặt trời VPE Ninh Hòa – Khánh Hòa (lập tháng 3/2018), nhà đầu tư là Công ty cổ phần Năng lượng sạch Vân Phong, người đại diện là ông Vũ Văn Hải; Dự án Nhà máy nhiệt điện Bắc Ái 14 (lập tháng 1/2019), nhà đầu tư là Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô, người đại diện là ông Nguyễn Trọng Thông.
Như đã thống kê ở trên thì, Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô có hồ sơ thuyết minh mang dấu hiệu sao chép nhiều nhất, kế sau là Tổng Công ty Cổ phần Thương mại xây dựng – Vietracimex. Và, điều bất ngờ là những bản thuyết minh này đều do Viện Năng lượng (Bộ Công thương) - cơ quan nghiên cứu khoa học công nghệ, quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng và điện lực tư vấn, có con dấu, chữ ký của Viện trưởng Hoàng Tiến Dũng.