Điện gió ảnh hưởng đến chim trời?

(khoahocdoisong.vn) - Cánh quạt gió quay liên tục có ảnh hưởng đến chim trời và các loài hoang dã nói chung không?

Hỏi: Cánh quạt gió quay liên tục có ảnh hưởng đến chim trời và các loài hoang dã nói chung không?

Trần Hồng Khanh (Hà Nội)

TS Nguyễn Huy Khải, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam: Năng lượng gió ngày càng được xem như một phương án thay thế bền vững cho nhiên liệu hóa thạch, vì nó góp phần giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, việc mở rộng nhanh chóng các trang trại gió đã làm dấy lên mối lo ngại về tác động của tuabin gió đối với các loài động vật hoang dã. Một nghiên cứu mới, được công bố trên Energy Science, đã cung cấp dữ liệu toàn diện về cách các tuabin ảnh hưởng đến quần thể chim. Nghiên cứu không chỉ phát hiện ra những tác động tiêu cực lên một số loài chim sinh sản, nó còn đề xuất giải pháp để giảm thiểu những tác động này thông qua cách thiết kế và phân bố tuabin gió. Đối với mỗi loài chim, sẽ có những ảnh hưởng khác nhau. Khi xét cụ thể các loài chim đồng cỏ, các nhà nghiên cứu nhận thấy chúng chịu ít tác động tiêu cực hơn so với các loại chim sinh sản.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng kích thước của tuabin gió và chiều dài của cánh quạt tạo ra sự khác biệt: Tuabin cao hơn và cánh quạt ngắn hơn thì tác động lên chim cũng giảm. Các nghiên cứu khác đã phát hiện ra rằng chiều cao tuabin tỷ lệ nghịch với số lượng chim bị ảnh hưởng, nhưng nghiên cứu hiện tại đã tách chiều cao khỏi chiều dài lưỡi cắt và phát hiện ra rằng chiều dài là yếu tố quan trọng hơn. Các nhà nghiên cứu cho rằng các tuabin gió nên được đặt bên ngoài vùng đệm, cách môi trường sống mật độ cao của chim khoảng 1.600m. Họ cũng khuyến nghị rằng nên thiết kế tuabin cao hơn nhưng chiều dài lưỡi cánh quạt thì ngắn hơn để bảo vệ quần thể chim sống trong tự nhiên.

Hiện chưa có nghiên cứu chính thức ở Việt Nam về điều này, song việc phát triển điện gió là nhu cầu tất yếu trong tương lai, tuy nhiên cần có những tính toán cụ thể để bảo vệ môi trường sống của các loài hoang dã.

Phong Lâm

Theo Đời sống
back to top