Theo tìm hiểu của PV Khoa học và Đời sống, sau khi Ban Quản lý bến xe khách tỉnh Điện Biên (Sở Giao thông Vận tải tỉnh Điện Biên) “hô biến” đất nông nghiệp thành đất bến xe, mở rộng diện tích từ 300m2 theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số: T 00059/QSDĐ ngày 14/11/2005 lên đến 633m2, ngày 28/6/2021, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Điện Biên đã chấp thuận và ban hành Quyết định số 402/QĐ-SGTVT về việc tạm thời công bố đưa bến xe khách vào khai thác, do ông Nguyễn Thái Bình, Phó Giám đốc ký.
Điều 1 Quyết định số 402/QĐ-SGTVT nêu: “Tạm thời chấp thuận công bố bến xe khách Bản Phủ vào khai thác là do trong thời gian chờ cơ quan có thẩm quyền xem xét, rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch bến xe khách”.
Bến xe Bản Phủ 300 m2 nhỏ hẹp, thường xuyên ùn ứ
Bến xe Bản Phủ được Sở GTVT công bố tạm thời đạt tiêu chuẩn bến xe loại 6 sau khi Ban quản lý Bến xe tỉnh Điện Biên sử dụng đất nông nghiệp mở rộng bến. |
Có mặt tại Bến xe Bản Phủ, PV ghi nhận: Do diện tích nhỏ hẹp, nằm sát Quốc lộ 12, nhiều lượt xe khách ra vào khung giờ chiều và tối (phần lớn các nhà xe hoạt động liên tỉnh với cung đường dài, chạy ban đêm), gây tình trạng đón trả khách gặp nhiều khó khăn, thường xuyên gây ùn ứ giao thông cục bộ.
Tra cứu hồ sơ đất đai, ngày 14/11/2005, UBND tỉnh Điện Biên cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất T 00059/QSDĐ cho Bến xe khách tỉnh Điện Biên (PV-Bến xe Bản Phủ), có diện tích 300m2 tại thị trấn Bản Phủ, xã Noọng Hẹt, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, vào mục đích xây dựng Bến xe khách Bản Phủ, thời hạn sử dụng đất lâu dài và Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất.
Bến xe khách Bản Phủ chỉ hoạt động tuyến nội tỉnh, trong điều kiện hỗ trợ bến xe khách vùng sâu, vùng xa.
Thuê đất nông nghiệp… mở rộng diện tích bến xe
Theo quy định về phân loại bến xe khách tại mục II Thông tư 73/2015/TT-BGTVT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Bến xe khách sửa đổi lần 1 năm 2015, do Bộ Giao thông Vận tải ban hành, bến xe khách được phân thành 6 loại. Theo đó, tiêu chí phân loại bến xe loại 6 phải bảo đảm diện tích mặt bằng tối thiểu là 500m2.
Phần diện tích 330m2 đất nông nghiệp đã bị bê tông hóa để mở rộng bến xe Bản Phủ dù chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất. |
Bến xe Bản Phủ chỉ đạt diện tích 300m2, trong khi Ban Quản lý Bến xe tỉnh Điện Biên lại muốn nâng cấp và được công bố bến xe loại 6, buộc phải mở rộng diện tích. Theo đó, ngày 7/12/2020, Ban Quản lý Bến xe tỉnh Điện Biên có công văn gửi UBND huyện Điện Biên về việc bổ sung quy hoạch bến xe khách thấp hơn bến xe khách loại 6 thuộc vùng sâu, vùng xa, các khu vực có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn của tỉnh Điện Biên.
Thay vì thuê đất dịch vụ thương mại, hay đất khác phù hợp với hoạt động bến xe, ông Nguyễn Hoài Nam, Giám đốc Ban Quản lý bến xe khách tỉnh Điện Biên lại thuê 330m2 đất nông nghiệp (đất tiếp giáp liền kề với Bến xe Bản Phủ) của hộ dân Nguyễn Thị Thanh Tú, với mục đích “mở rộng diện tích đất bến xe khách Bản Phủ”, thời hạn thuê mặt bằng là 10 năm.
Theo quan sát của phóng viên tại địa bàn, toàn bộ 330m2 đất nông nghiệp được thuê, đã bị bê tông hóa mà không tiến hành thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất trước khi đưa vào sử dụng. Thậm chí, công tác quy hoạch đất mở rộng bến xe còn chưa được hoàn thiện.
Vi phạm pháp luật về đất đai…?
Trao đổi với PV Khoa học và Đời sống, ông Lê Duy Hưng, Chủ tịch UBND xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên cho biết: “Diện tích đất của hộ dân Nguyễn Thị Thanh Tú được Ban Quản lý bến xe khách tỉnh Điện Biên thuê để mở rộng Bến xe Bản Phủ là đất nông nghiệp, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất”.
Hai năm trở lại đây, “Bến xe loại 6” Bản Phủ được Ban Quản lý bến xe tỉnh Điện Biên (Sở Giao thông Vận tải tỉnh Điện Biên) đưa vào khai thác mạng lưới liên tỉnh đi Thái Bình, Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam, Hải Dương...
“Cầm đèn chạy trước ô tô” công bố bến xe loại 6
Khi được hỏi căn cứ pháp lý nào công bố Bến xe Bản Phủ “xếp” loại bến xe loại 6, ông Nguyễn Hoài Nam, Giám đốc Ban Quản lý bến xe khách tỉnh Điện Biên thừa nhận: “Việc công bố tạm thời bến xe Bản Phủ là loại 6 là để chờ quy hoạch thành bến xe lớn theo tiêu chí nông thôn mới và theo quy chuẩn huyện Điện Điên phải có bến xe tiêu chuẩn loại 4 trở lên. Sau khi làm việc, UBND huyện Điện Biên đã trình UBND tỉnh Điện Biên và được phê duyệt bổ sung 5000m2 đất mở rộng bến xe Bản Phủ”.
Giám đốc Ban Quản lý bến xe khách tỉnh Điện Biên cũng thừa nhận thuê đất nông nghiệp mở rộng diện tích bến xe và cho biết, đơn vị đang lập dự án nâng cấp bến xe; nếu được phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án sẽ tiến hành thu hồi, đền bù giải phóng mặt bằng và tiến hành sử dụng đất.
Việc mở rộng, nâng cấp bến xe để phục vụ đông đảo người dân là chủ trương đúng đắn và đáng khuyến khích. Tuy nhiên, dư luận đặt câu hỏi: Việc thuê đất nông nghiệp để mở rộng diện tích Bến xe Bản Phủ - một trong những bến xe khách tỉnh Điện Biên - nhằm nâng cấp, công bố bến xe lên loại 6 chạy tuyến liên tỉnh của Ban Quản lý bến xe dường như có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đất đai; ai phải chịu trách nhiệm - Ban Quản lý Bến xe tỉnh Điện Biên hay Sở Giao thông Vận tải tỉnh Điện Biên?
Khoa học và Đời sống tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Điều Điều 57 Luật đất đai 2013 có quy định chuyển mục đích sử dụng đất như sau:
1. Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bao gồm:
a) Chuyển đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối;
b) Chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất nuôi trồng thủy sản nước mặn, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản dưới hình thức ao, hồ, đầm;
c) Chuyển đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang sử dụng vào mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp;
d) Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp;
đ) Chuyển đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất;
e) Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở;
g) Chuyển đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại, dịch vụ; chuyển đất thương mại, dịch vụ, đất xây dựng công trình sự nghiệp sang đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp.
2. Khi chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định tại khoản 1 Điều này thì người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; chế độ sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất được áp dụng theo loại đất sau khi được chuyển mục đích sử dụng".
Điều 69 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai nêu rõ: Trình tự, thủ tục cho phép chuyển mục đích sử dụng đất:
1. Người sử dụng đất nộp đơn xin phép chuyển mục đích sử dụng đất kèm theo Giấy chứng nhận đến cơ quan tài nguyên và môi trường.
2. Cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ; xác minh thực địa, thẩm định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất; hướng dẫn người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; chỉ đạo cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính.
Đối với trường hợp nhà đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của người đang sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thì thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất đồng thời với thủ tục cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
3. Người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định."