Điện Biên ghi nhận trường hợp trẻ nhỏ mắc bệnh than: Vì sao hiếm gặp?

Theo CDC tỉnh Điện Biên, trường hợp bệnh nhân Đ. là hiếm gặp vì bệnh nhân còn rất nhỏ. Trước đó, gia đình chỉ ăn thịt lợn và rau, không ăn thịt trâu bò và cũng không tiếp xúc với người có mầm bệnh than.

Sáng 5/6, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Điện Biên cho biết, đơn vị này vừa ghi nhận trường hợp thứ 14 mắc bệnh than là cháu bé 2 tuổi, ở xã Pú Xi, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên.

Cụ thể, bé cháu Thào Thị Đ (SN 2021) có địa chỉ tại xã Pú Xi, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Trước khi được xác định bệnh bé có biểu hiện như sốt, nôn mửa, trên cánh tay trái xuất hiện nốt tím đen và ngứa.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

1-2 ngày đầu bé được bố mẹ chăm sóc tại nhà nhưng những nốt tím đen to lên và có mủ, gia đình đã đưa bệnh nhân đến nhà người quen tại huyện Tủa Chùa để bó thuốc, sau đó vẫn không đỡ. Đến 4/6, bé được vào Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa để khám. Chiều cùng ngày, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên và được chuẩn đoán viêm phổi, mắc bệnh than.

Theo CDC tỉnh này, đây là trường hợp hiếm gặp vì tuổi cháu bé còn rất nhỏ và gia đình chỉ ăn thịt lợn và rau, không ăn thịt trâu bò, trong vùng không có trâu bò mắc bệnh nhiệt than và cũng không tiếp xúc với người có mầm bệnh than.

Trước đó, từ ngày 5-30/5, địa bàn huyện Tủa Chùa, Điện Biên đã ghi nhận 3 ổ dịch bệnh than thể da với 13 trường hợp mắc: Tại xã Mường Báng (1 ổ dịch than), xã Xá Nhè (2 ổ dịch than), hiện chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin dịch bệnh, Sở Y tế Điện Biên đã gửi văn bản đề nghị Sở NN&PTNT kiểm soát tốt bệnh than trên gia súc. Khẩn trương rà soát công tác tiêm vaccine phòng bệnh than cho đàn gia súc trên địa bàn, nhất là vùng có ổ dịch cũ, khu vực có nguy cơ cao, bảo đảm tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh cho gia súc theo quy định.

Bệnh than là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do bào tử hoặc vi khuẩn Bacillus anthracis gây ra. Bệnh lây nhiễm sang người thông qua vết thương hở ngoài da, hoặc nhiễm do ăn thịt động vật bị bệnh, hoặc hít phải bào tử vi khuẩn. Để phòng bệnh, người dân được khuyến cáo không tiếp xúc, giết mổ và ăn thịt gia súc mắc bệnh. Người thường xuyên tiếp xúc vật nuôi bị ốm chết (không rõ nguyên nhân) nên mang ủng, găng tay cao su, quần dài và áo sơ mi dài tay; tránh vùng da hở, da bị tổn thương tiếp xúc với gia súc.

Sau khi tiếp xúc vật nuôi, mọi người phải rửa tay và bất kỳ chỗ da nào hở ra bằng xà phòng dưới vòi nước. Khi người trong gia đình có biểu hiện mắc bệnh than, cần đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời cứu chữa và thông báo với chính quyền địa phương để điều tra, xử lý ổ dịch.

Theo Đời sống
back to top