Đáp án môn thi Ngữ văn sơ sài
Cho đến thời điểm này, đã có nhiều địa phương hoàn thành xong việc chấm thi môn Ngữ văn, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. Và cũng chỉ ít ngày nữa là công bố điểm thi.
Với đáp án theo Bộ GD&ĐT đã công bố, thang điểm chấm chi tiết thế nào, quy trình chấm chặt chẽ không, liệu có sự “may rủi” trong điểm thi hay không, nếu điểm thi không như ý có nên phúc khảo bài thi môn Ngữ văn… là câu hỏi băn khoăn của nhiều thí sinh.
Trao đổi với phóng viên, một giám khảo chấm thi môn Ngữ văn năm nay cho biết, có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới quan điểm chấm của giám khảo, trong đó có đáp án.
Năm nay, theo đánh giá của nhiều giáo viên, đáp án khá sơ sài. Thậm chí, còn sơ sài hơn cả một đáp án bài thi một tiết của giáo viên soạn.
Mặc dù, bản hướng dẫn chấm thi có chi tiết hơn đáp án của Bộ GD&ĐT công bố, tuy nhiên, hầu như cũng chỉ cụ thể hơn ở thang điểm.
Chẳng hạn, với câu hỏi gây nhiều tranh cãi trong đề thi năm nay: Nhận xét vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh (0,5 điểm), đáp án công bố của Bộ GD&ĐT yêu cầu thí sinh nêu được hai ý: Thứ nhất là vẻ đẹp nữ tính: Dịu dàng, ý nhị mà nồng nàn, mãnh liệt, hồn nhiên, trực cảm mà sâu lắng, suy tư. Thứ hai là vẻ đẹp nữ tính góp phần thể hiện phong cách thơ Xuân Quỳnh.
Trong hướng dẫn chấm thi của giáo viên, thí sinh nêu được vẻ đẹp nữ tính được 0,25 điểm. Thí sinh nêu được vẻ đẹp nữ tính thể hiện phong cách thơ Xuân Quỳnh được 0,25 điểm.
Đối với các câu hỏi khác, về cơ bản cũng như vậy.
Theo nhiều giáo viên, việc đáp án sơ sài sẽ dẫn tới việc gây khó khăn cho giáo viên trong việc chấm thi. Bởi vì, đáp án “mở”, khiến quan điểm chấm giữa các giám khảo có thể lệch nhau, cho dù trước khi chấm đã có chấm chung một số bài thi để thống nhất quan điểm chấm. Chẳng hạn, giám khảo này cho rằng viết thế này đã chạm vào được vào ý, cho điểm, nhưng giám khảo khác lại thấy viết thế vẫn chưa đạt, không cho điểm, có những tình huống phát sinh khác với khi chấm chung.
Đặc biệt, với những giám khảo mới tham gia chấm thi, còn chưa có nhiều kinh nghiệm thì việc đáp án sơ sài sẽ rất khó để họ có một “chuẩn” để bám vào và chấm.
Cho nên, đã dẫn tới việc giữa hai giám khảo có khi chấm vênh nhau tới 3 điểm, lại phải chấm vòng 3.
Một yếu tố ảnh hưởng tới quan điểm chấm của giám khảo nữa, đó là do trình độ, năng lực của giám khảo không đồng đều, hoặc còn do yếu tố “vùng” của trường mà giám khảo dạy.
Có giáo viên đến từ trường vùng “trũng”, khi chấm thấy học sinh làm được thế đã ổn lắm rồi, cho điểm “nới”, trong khi giáo viên ở trường tốp đầu lại khắt khe hơn, vì quen chấm yêu cầu cao đối với học sinh.
“Vẫn biết thi tốt nghiệp THPT là yêu cầu đối với trình độ đại trà. Tuy nhiên, điểm thi này cũng đồng thời để nhiều thí sinh xét tuyển đại học. Chỉ cần lệch một chút điểm có thể cũng gây thiệt thòi cho các em. Đáp án chi tiết không phải “đóng”, mà là chuẩn để giáo viên bám vào, càng chi tiết càng tốt, hạn chế sự khác nhau về quan điểm, cảm tính khi chấm”, một giáo viên chia sẻ.
Có hiện tượng giáo viên chấm nhanh, chấm ẩu?
Trao đổi với phóng viên, một số giáo viên phản ánh, bên cạnh những giáo viên chấm thi tốt nghiệp THPT rất nghiêm túc, thì cũng vẫn tồn tại những giám khảo chấm nhanh, chấm ẩu.
Có giáo viên thử bấm giờ, theo dõi đồng nghiệp chấm thấy có hiện tượng giám khảo chấm xong hai tập bài chỉ trong vòng 90 phút. Mà trung bình một tập bài khoảng 50 tờ giấy thi, với 30 bài. Đặc biệt, không phải chỉ riêng việc chấm thi. Mà còn phải cho điểm vào phiếu chấm, cộng điểm, ký, đếm bài…
Thử chia quãng thời gian chấm, vào điểm như vậy trên tổng số tập bài mà giám khảo chấm thì sẽ thấy ngay, thời gian chấm một bài thi quá nhanh.
Kể cả với một giám khảo có kỹ năng chấm tốt, có kinh nghiệm chấm nhiều năm, thì cũng không thể chấm một bài thi với tốc độ “siêu tốc” như vậy được. Nếu chấm quá nhanh, giám khảo chỉ có thể đọc lướt bài của thí sinh.
Tuy nhiên, những giám khảo này có những “kỹ năng” chấm, thường sẽ nhìn tổng quát bài của thí sinh để đoán tổng điểm. Sau đó “rải” điểm thành phần ở các câu. Và thường cho điểm rất “nới” để “an toàn”, tránh bị “soi”.
Theo quy định, điểm toàn bài hoặc điểm thành phần không lệch nhau, hoặc lệch nhau (trừ trường hợp cộng nhầm điểm) dưới 1,0 điểm, hai cán bộ chấm thi thảo luận thống nhất điểm. Nhưng thường điểm thống nhất sẽ nghiêng về người chấm “nới”, với quan điểm tránh thiệt thòi cho thí sinh.
Như vậy, chỉ cần một giám khảo chấm “nới”, thì sẽ ảnh hưởng đến kết quả của bài thi.
“Tưởng rằng như vậy sẽ có lợi cho thí sinh, đúng là lợi thật, nhưng lợi cho thí sinh này thì sẽ thiệt cho thí sinh khác. Với những thí sinh “học thật” sẽ thiệt thòi, bởi ví dụ cùng là điểm 7, 8, nhưng giữa điểm được chấm thật, khác với điểm được chấm nới. Trong khi đó, chỉ cần một số điểm rất nhỏ, có thể ảnh hưởng tới kết quả xét tuyển của thí sinh rồi. Các giám khảo chấm thi cần nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm, ngoài ra, cần có một cơ chế giám sát chặt chẽ hơn nữa đối với việc chấm thi, để hạn chế tối đa tình trạng này”, một giám khảo chia sẻ.
Theo thông tin từ giám khảo một số hội đồng thi cho biết, điểm cao nhất môn văn là 9,75. Phổ điểm ở ngưỡng từ 6 – 7 điểm, có nhiều điểm 8, 9. Đặc biệt, năm nay đã có thí sinh đạt điểm 10 môn Ngữ văn. Chủ nhân của điểm 10 này thuộc về em Đặng Văn Quang, học sinh Trường THPT Chuyên Lê Thánh Tông, Quảng Nam. Quang là học sinh chuyên Văn của trường và đạt nhiều thành tích xuất sắc trong học tập, trong đó có giải Nhì Học sinh giỏi Văn Quốc gia.