<div> <div> <p>Theo nguồn tin của Báo Thanh Niên, chiều nay, 20.7, hội đồng tư vấn xét điểm sàn khối ngành sức khỏe cho Bộ GD-ĐT họp và đã chốt đề xuất lên Bộ trưởng điểm sàn cho các ngành thuộc khối ngành này.</p> <p>Cụ thể, điểm sàn các ngành y khoa và răng hàm mặt sẽ là 21; điểm sàn các ngành y học cổ truyền, dược là 20; các ngành điều dưỡng, y học dự phòng, hộ sinh, dinh dưỡng, kỹ thuật phục hình răng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học, kỹ thuật phục hồi chức năng đều có sàn là 18 điểm.</p> <p>Năm nay là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT thực hiện việc đưa ra ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng xét tuyển sinh với các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe.</p> <p>Theo phân tích của Thanh Niên từ phổ điểm thi THPT quốc gia 2019, số thí sinh đạt điểm cao khối B, từ trên 24 điểm, nhiều gấp đôi năm ngoái. Mức điểm có nhiều thí sinh đạt nhất cao hơn năm ngoái 2,7 điểm. Điều này dự báo điểm chuẩn khối B tăng toàn cục.</p> <p>Nếu thống kê từ mức trên 24 điểm/3 môn trở lên, năm nay có 3.710 thí sinh đạt, cao gấp 2,4 lần năm ngoái (năm ngoái chỉ có 1.575 thí sinh). Số thí sinh đạt được từ trên 25 điểm trở lên giảm đột ngột, chỉ còn 1.204 , gần gấp đôi năm ngoái (từ mức này trở lên năm ngoái là 607 thí sinh).</p> <p>Căn cứ vào điểm chuẩn năm ngoái của các ngành y đa khoa của các trường đại học Y Hà Nội, Y dược TP.HCM (24,75 và 24,95), thì đây chính là quãng điểm “cạnh tranh” đối với các thí sinh muốn đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 vào các trường y dược đỉnh cao. Qua đó có thể thấy, khả năng điểm trúng tuyển vào các ngành y đa khoa ở mức “dễ chịu”như năm ngoái khó mà lặp lại vào năm nay.</p> </div> </div> <p> </p>