<div> </div> <p>Phiên giao dịch 21/3 khép lại với những diễn biến khá tiêu cực. Áp lực bán bất ngờ tăng mạnh trong những phút cuối phiên khiến thị trường chìm sâu trong sắc đỏ và VN-Index đóng cửa giảm 20,52 điểm (2,05%) xuống 981,78 điểm và ghi nhận mức sụt giảm mạnh nhất châu Á.</p> <p>Với diễn biến kém tích cực kể trên, vốn hóa toàn thị trường chứng khoán Việt Nam đã "bốc hơi" 73.000 tỷ đồng trong phiên 21/3. Riêng vốn hóa sàn HoSE mất đi 67.300 tỷ đồng, tương ứng 2,9 tỷ USD.</p> <p>Đóng góp nhiều nhất vào mức giảm của thị trường hôm nay là cổ phiếu Vinhomes (VHM) khi giảm 4,3% xuống 88.200 đồng, qua đó tác động giảm 4,1 điểm lên VN-Index.</p> <p>10 cổ phiếu đóng góp nhiều vào sự giảm điểm của VN-Index còn có VIC (3,1 điểm), GAS (1,9 điểm), BID (1,4 điểm), VNM (1,3 điểm), VRE (1,2 điểm), CTG (1 điểm), PLX (0,9 điểm), VPB (0,6 điểm), TCB (0,5 điểm).</p> <p>Như vậy, top 10 cổ phiếu kể trên đã đóng góp tổng cộng 16 điểm trên tổng mức giảm 21,52 điểm của VN-Index.</p> <table align="center" class="imageBox"> <tbody> <tr> <td style="text-align: center;"><img alt="" src="https://khds.1cdn.vn/2019/03/21/cp.png" /></td> </tr> <tr> <td> <p>Những cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực tới VN-Index trong phiên 21/3</p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Phiên giao dịch 21/3 cũng là ngày đáo hạn hợp đồng phái sinh F1903 và không ít nhà đầu tư cho rằng những biến động từ thị trường phái sinh đã ảnh hưởng mạnh tới thị trường cơ sở.</p> <p>Kể từ khi thị trường phái sinh ra mắt vào giữa năm 2017, đã không ít lần thị trường này bị đổ lỗi về những biến động mạnh của thị trường cơ sở và phiên giao dịch 21/3 là một ví dụ điển hình.</p> <p>Trước đó, trong phiên giao dịch cách đây tròn 1 tháng (21/2/2019), cũng là ngày đáo hạn hợp đồng phái sinh F1902, khá trùng hợp khi thị trường chứng khoán Việt Nam cũng biến động rất mạnh nhưng theo chiều hướng ngược lại. Khi đó, chỉ số VN-Index đã tăng 1,75% lên 987,57 điểm và cũng là phiên tăng điểm mạnh thứ 2 tính từ đầu năm 2019.</p> <p>Dù vậy, điểm tích cực trong phiên 21/3 là khối ngoại vẫn mua ròng khá mạnh với giá trị hơn 140 tỷ đồng trên toàn thị trường, trong đó lực mua tập trung chủ yếu vào nhóm VN30 và chứng chỉ quỹ E1VFVN30.</p>