TPHCM: Điểm khác biệt trong đợt giãn cách xã hội thứ 2
Ngày 15/6, TPHCM chính thức bước vào lần 2 giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 trong đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 4.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh có nhiều khác biệt, việc áp dụng biện pháp giãn cách xã hội của thành phố trong 2 tuần tới có nhiều điểm mới so với những lần trước đây.
"Việc kéo dài thời gian giãn cách toàn địa bàn là cần thiết. Với biến chủng SARS-CoV-2 mới, thành phố cần khoảng thời gian tương ứng với một chu kỳ lây nhiễm", Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên định hướng trong sáng 15/6, ngày cuối cùng TPHCM giãn cách xã hội đợt đầu tiên.
Sẽ nới lỏng nếu đủ an toàn
Trước bối cảnh dịch Covid-19 khó đoán định, việc giãn cách xã hội được đánh giá sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất, kinh doanh và an sinh xã hội của nhân dân. Người đứng đầu Đảng bộ TPHCM đề nghị chính quyền cần những phương án, giải pháp chủ động, chặt chẽ nhưng cần linh hoạt hơn 2 tuần trước.
Cụ thể, ông Nguyễn Văn Nên đưa ra phương án áp dụng các biện pháp giãn cách quyết liệt theo Chỉ thị 15 để khoanh vùng, dập dịch hiệu quả. Đối với những nơi đảm bảo được các biện pháp an toàn, chủ động kiểm soát được dịch Covid-19, việc áp dụng Chỉ thị 19 cần được cân nhắc.
Phương án này đặt ra cho TPHCM là một địa bàn áp dụng nhiều biện pháp khác nhau. Chính quyền các cấp cần phối hợp nhịp nhàng, hạn chế những thiệt hại không cần thiết - Bí thư Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh về sự linh hoạt mà thành phố cần lưu ý trong 2 tuần giãn cách tiếp theo.
Để tạo sự linh hoạt nhất trong việc áp dụng các giải pháp giãn cách, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố, đã đưa ra phương án sau một tuần thực hiện, chính quyền và ngành y sẽ xem xét diễn biến, đánh giá tình hình để nâng mức giãn cách theo Chỉ thị 16, hoặc nới lỏng các biện pháp theo Chỉ thị 19 tại từng khu vực.
Dịch ngoài cộng đồng vẫn là ẩn số
Sau 2 tuần áp dụng Chỉ thị 16 đầu tiên, chuỗi lây nhiễm lớn nhất TPHCM liên quan đến điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng đã được kiểm soát. Minh chứng rõ nét nhất cho sự kiểm soát này là việc những ca mắc mới liên quan đến chuỗi đều là người tiếp xúc F1, đã được cách ly trước đó.
Tuy nhiên, một cụm lây nhiễm SARS-CoV-2 khác của thành phố đã tồn tại song song với chuỗi lây nhiễm trên, ngày càng hiện hữu rõ nét trong khoảng thời gian qua. Điều đáng lo ngại, ngành y chưa giành được thế chủ động đối với sự lây lan âm thầm này.
Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, khoảng 30 bệnh viện, cơ sở y tế đã khám sàng lọc, phát hiện 48 người dương tính SARS-CoV-2 trong cộng đồng. Qua điều tra, truy vết ngược lại, số ca mắc liên quan những ca mắc Covid-19 chưa xác định được nguồn lây là khoảng 400 người, gần bằng một nửa ca bệnh được công bố trên địa bàn (984 bệnh nhân).
Ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) đánh giá con số trên không hề nhỏ. Hơn nữa, ngoài 48 người có triệu chứng đến khám và phát hiện qua sàng lọc, số lượng người nhiễm SARS-CoV-2 ngoài cộng đồng không có triệu chứng hoặc không đi khám còn là ẩn số.
"Không nhà chuyên môn nào dám khẳng định sau khi giãn cách 2 tuần thì việc kiểm soát dịch Covid-19 có thành công hay không. Sự thành công phụ thuộc vào ít nhất 2 yếu tố là mầm bệnh trong cộng đồng đang ở mức độ nào, lây lan ra sao trước khi giãn cách và các biện pháp giãn cách có được tuân thủ hay không", ông Nguyễn Trí Dũng chia sẻ.
Hiện tại, ngành y và chính quyền thành phố đã đánh giá được mầm bệnh Covid-19 đã âm thầm len lỏi trong cộng đồng với nhiều F0 chưa rõ nguồn lây được phát hiện. Đối với vế còn lại, kết quả của đợt 2 áp dụng Chỉ thị 15 phụ thuộc rất nhiều vào sự tuân thủ, hợp tác của người dân trên toàn địa bàn.
Giãn cách để giành thế chủ động
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, quãng thời gian ủ bệnh, chu kỳ lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 là 14 ngày. Sau quãng thời gian này, nguy cơ lây lan của dịch bệnh sẽ ở mức thấp nhất.
Lãnh đạo HCDC cho biết đối với những ca mắc Covid-19 chưa phát hiện, thời gian giãn cách sẽ giúp hạn chế tiếp xúc và khả năng lây lan ra cộng đồng. Trong 2 tuần áp dụng Chỉ thị 15 tiếp theo, TPHCM cần làm mọi biện pháp tăng tốc độ truy đuổi, khoanh vùng các ổ dịch Covid-19 phát sinh.
Để giành thế chủ động trong cuộc chiến với Covid-19, Sở Y tế TPHCM đã yêu cầu mọi lực lượng truy vết nhanh, lên danh sách tất cả ca tiếp xúc F1 trong vòng 2 giờ kể từ khi phát hiện ca dương tính. Song song với việc điều tra dịch tễ, tất cả mẫu bệnh phẩm phải gửi ngay đến nơi làm xét nghiệm để tiến hành chẩn đoán.
"Bộ Y tế yêu cầu kết quả xét nghiệm khẳng định phải có sau 24 giờ, tuy nhiên TPHCM đã rút ngắn xuống còn 6 - 10 giờ. Đây là giải pháp căn cơ ngành y thành phố thực hiện thời gian tới", ông Nguyễn Trí Dũng thông tin.
Trong 2 tuần tới, ngành y tế tiếp tục kêu gọi người dân toàn thành phố cùng chung tay cùng lực lượng y tế và chính quyền trong các biện pháp giãn cách xã hội. Đặc biệt, người dân, hộ gia đình sinh sống trong khu vực được cách ly, phong tỏa nâng cao ý thức cộng đồng, đảm bảo quy định cách ly giữa người với người.
"Trong 2 tuần giãn cách đầu tiên, chúng ta thấy vẫn còn nhiều sự tiếp xúc. Trong thời điểm khó nhận biết ai đã nhiễm SARS-CoV-2, mong mọi người cố gắng chỉ ở trong nhà, hạn chế các sinh hoạt ngoài cộng đồng", Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng nhiều lần đề nghị.
Trở lại với quận Gò Vấp, với người dân sinh sống tại đây, việc chuyển áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 sang Chỉ thị 15 đã giúp cuộc sống của họ "dễ thở' hơn. Tuy nhiên, sự thay đổi trên không có nhiều khác biệt so với 2 tuần trước đó.
"Đường phố vẫn vắng vẻ, có thể quãng thời gian áp dụng Chỉ thị 16 khiến người dân tại quận Gò Vấp thay đổi thói quen, ít ra đường hơn. Hoặc cũng có thể họ thấy chưa thật sự an toàn khi ra ngoài thời điểm này", chị Thúy An (35 tuổi, ngụ phường 17, quận Gò Vấp) chia sẻ.
Chị An cho biết dù chịu ảnh hưởng không nhỏ về tài chính khi công việc bị đình trệ, sinh hoạt, cuộc sống bị đảo lộn, nhưng chị nhận thức được việc tiếp tục giãn cách xã hội thêm 2 tuần là cần thiết. Theo chị, nếu "giãn cách lâu hơn để trở lại cuộc sống bình thường sớm hơn", chắc nhiều người dân TPHCM sẵn sàng chung tay cùng chính quyền.