"Điểm danh" các loài ốc chứa độc tố

(khoahocdoisong.vn) - Gần đây nhiều vụ ngộ độc do ăn ốc lạ xảy ra, có trường hợp nguy hiểm đến cả tính mạng. Việc nhận diện các loài ốc có khả năng gây độc là rất cần thiết.

TS Nguyễn Kiêm Sơn, nguyên cán bộ Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật cho biết, có những loài ốc chứa trong nó chất độc rất nguy hiểm. Các loại ốc gây độc có thể điểm danh là ốc mặt trăng (turban), ốc đụn (the top of shells), ốc tù và (trumpet shells), ốc hương Nhật Bản (ivory snails), ốc trám (oliva), ốc trám (ốc ô liu), ốc bùn ca tút Nassasius castus và ốc bùn hình nón N. conoides…

Ốc bùn răng cưa là loài ốc chứa độc tố Tetrodotoxins. Hàm lượng độc tố thay đổi theo trong từng con ốc, có con ốc chứa lượng độc rất lớn. Người có trọng lượng 50kg chỉ cần ăn 2 - 3 con là bị ngộ độc có thể dẫn đến thiệt mạng. Ốc bùn bóng có tên khoa học là Nassarius glans và có hình dáng giống với ốc hương đen. Ốc bùn bóng thường sinh sống ở đáy biển ven bờ Việt Nam, có chứa độc tố Tetrodotoxin - một loại độc tố thần kinh cực mạnh. Loại độc tố này thậm chí vẫn tồn tại và gây độc kể cả khi thức ăn đã được chế biến. Độc tố trong các loài ốc mặt trăng, ốc đụn và ốc trám được xác định là Saxitoxin. Ốc cối địa lý được Viện Hải dương học Nha Trang xếp vào danh mục “Các loài hải sản độc hại gây chết người”. Ở Việt Nam, ốc cối địa lý thường có ở ven biển phía Nam, từ Đà Nẵng đến Kiên Giang và các hải đảo.

Có một số loài ốc bỗng dưng trở nên độc thường là do chúng ăn phải các loài tảo độc tích lũy trong cơ thể, dần dần biến thành độc tố. Độc tố trong ốc biển tùy từng loài, có hai loại chính là: Saxitoxin và Tetrodotoxin. Saxitoxin là độc tố vi tảo tích lũy trong các loài ốc mặt trăng, ốc đụn, ốc trám… và có thể có trong các sinh vật hai mảnh vỏ, một số loài cua... Tetrodotoxin có trong ốc tù và, ốc hương Nhật bản, ốc tù và gai miệng đỏ, ốc bùn, ốc ngọc và trong một số loài cá nóc, mực đốm xanh, so biển...

Theo Đời sống
back to top