"Điểm" 7 quan niệm sai lầm về dinh dưỡng, cần loại bỏ ngay

Theo các chuyên gia, những quan niệm sai lầm về chế độ dinh dưỡng chính là nguyên nhân góp phần vào việc tăng cân và các vấn đề sức khỏe khác.

Dinh dưỡng hợp lý đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe của mỗi chúng ta. Các chuyên gia cho biết, lối sống hiện đại kèm theo chế độ dinh dưỡng không hợp lý là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ mắc bệnh ngày càng gia tăng.

Bên cạnh đó, việc thiếu kiến thức về dinh dưỡng dẫn đến sự tồn tại của rất nhiều quan niệm sai lệch…

"Điểm" 7 quan niệm sai lầm về dinh dưỡng. Ảnh minh họa

"Điểm" 7 quan niệm sai lầm về dinh dưỡng. Ảnh minh họa

Có thể đốt cháy chất béo bằng chế độ ăn nhiều đồ chua

Không có loại thực phẩm nào có thể đốt cháy chất béo. Các chế độ ăn nhiều đồ chua như bưởi đòi hỏi bạn phải ăn nửa quả bưởi trong mỗi bữa ăn với các loại thực phẩm giàu protein để thu được lợi ích.

Bưởi không có chất béo, ít calo và natri, chứa nhiều vitamin C và chất xơ, nhưng nó không có khả năng đốt cháy chất béo. Tương tự, chế độ ăn chỉ với súp rau khiến cơ thể dễ bị thiếu chất (thiếu nhiều loại vitamin và protein) và có thể khiến bạn thiếu dinh dưỡng, gây ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch. Cách tốt nhất để giảm cân là ăn các bữa ăn cân bằng và đa dạng, đồng thời hạn chế thức ăn nhiều chất béo, dầu và đường. Cũng như tăng cường các hoạt động thể chất.

Ăn trái cây thay rau củ

Một báo cáo của Hiệp hội Dinh dưỡng Anh cho biết, dinh dưỡng từ rau củ sẽ giúp cơ thể hoạt động hiệu quả hơn. Trái cây thường chứa hàm lượng đường tự nhiên cao, nếu ăn quá nhiều sẽ làm tăng lượng đường trong máu, gây mệt mỏi, cáu kỉnh. Các chuyên gia khuyên dinh dưỡng tốt nhất cho một ngày, bao gồm: 4 phần rau củ 1 phần trái cây.

Nhịn ăn để thải độc

Cơ thể chúng ta được thiết kế một hệ thống để loại bỏ độc tố, đó là gan, thận và lá lách. Không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy việc không ăn hoặc chỉ uống nước trái cây - trong bất kỳ khoảng thời gian nào khiến cơ thể thải được độc tố tốt hơn. Trái lại khi nhịn đói, cơ thể chuyển hóa sinh các thể ketone là các chất chuyển hóa độc chứ không phải giúp cơ thể thanh thải độc chất. Việc nhịn ăn cũng chỉ nên giảm bớt lượng calories đưa vào và tăng vận động để tăng tiêu thụ, cốt yếu vẫn phải đảm bảo nhu cầu vitamin và điện giải, không nên nhịn hoàn toàn.

Bỏ bữa giúp giảm cân

Nhịn ăn hoặc chỉ tiêu thụ chất lỏng không giúp cơ thể loại bỏ chất béo dư thừa hoặc độc tố. Trên thực tế, bỏ bữa (thường là bữa sáng) không có nghĩa là giảm cân. Các nghiên cứu chỉ ra rằng những người bỏ bữa sáng và ăn ít bữa trong ngày có xu hướng nặng cân hơn những người ăn sáng lành mạnh và ăn đủ bữa một ngày. Điều này là do bỏ bữa khiến bạn cảm thấy đói hơn và khiến bạn ăn quá nhiều vào bữa tiếp theo và ít chú ý đến dấu hiệu no của mình hơn.

Cách tốt nhất là nên ăn uống đầy đủ, đúng giờ và cân đối với các loại trái cây và rau quả phù hợp nhất với nhu cầu và yêu cầu của cơ thể.

Tất cả chất béo đều xấu

Trong khi một số loại chất béo, bao gồm chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như tim mạch hoặc đột quỵ, thì chất béo lành mạnh - như chất béo không bão hòa đơn (có trong ô liu và các loại dầu thực vật khác, bơ và một số loại hạt) và chất béo không bão hòa đa (có trong dầu hướng dương và các loại dầu thực vật khác, quả óc chó, cá và hạt lanh) - thực sự giúp giảm nguy cơ mắc bệnh của bạn.

Chất béo tốt cũng rất quan trọng trong việc cung cấp năng lượng, sản xuất các hormone, hỗ trợ chức năng tế bào và hỗ trợ hấp thu một số chất dinh dưỡng. Nếu bạn nhìn thấy một sản phẩm có nhãn "không chứa chất béo", đừng tự động cho rằng nó tốt cho sức khỏe. Thay vào đó, hãy ưu tiên những sản phẩm có thành phần đơn giản và không thêm đường.

Ăn thực phẩm làm từ đậu nành có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú

Liều cao estrogen thực vật trong đậu nành gọi là isoflavone đã được chứng minh là có tác dụng kích thích sự phát triển tế bào khối u vú trong các nghiên cứu trên động vật. Tuy nhiên, cho đến nay, khoa học không chỉ ra mối liên hệ giữa việc tiêu thụ đậu nành và nguy cơ ung thư vú ở người. Thay vào đó, đậu nành là nguồn cung cấp các chất dinh dưỡng có lợi như protein, chất xơ, vitamin và khoáng chất chất lượng cao liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim.

Thèm ăn gì thì cơ thể bị thiếu chất đó

Thèm ăn thường có xu hướng để thỏa mãn nhu cầu cảm xúc. Cảm giác thèm ăn xảy ra khi chế độ ăn uống của bạn bị hạn chế hoặc nhàm chán. Càng hạn chế ăn một loại thực phẩm nào đó thì bạn thường thèm nó nhiều hơn. Nhưng có một sự thiếu hụt chất dinh dưỡng có liên quan rõ ràng đến cảm giác thèm ăn ở con người là sắt. Vì vậy một chế độ ăn uống đa dạng và cân bằng vẫn là lời khuyên thiết thực.

Theo Đời sống
back to top