Điếc đột ngột là một dạng điếc thần kinh giác quan, xảy ra đột ngột, nhanh từ vài giờ đến vài ngày với thính lực đồ điếc tiếp nhận từ 30 dB (đề xi ben), ít nhất 3 tần số liên tục. Sự vận chuyển máu đến nuôi ốc tai không được thuận lợi là nguyên nhân chủ yếu gây nên bệnh. Tình trạng thường xuất hiện ở một tai bởi vấn đề về các cơ quan cảm giác của tai trong, phổ biến ở người trưởng thành và người già. Tuy nhiên, hiện nay trẻ nhỏ cũng có thể gặp phải, và thường khó phát hiện hơn.
Điếc đột ngột có những dấu hiệu:
Buổi sáng, sau khi thức dậy phát hiện thính lực bị giảm khi đang cố gắng để nghe gì đó, hay đang sử dụng điện thoại và người bệnh nghe thấy tiếng ồn ào trước khi mất thính giác.
Có những trường hợp đang nghe tivi thì bỗng nhiên không nghe được nữa hoặc âm thanh bị giảm đi.
Điếc đột ngột có thể xuất hiện các triệu chứng như đầy tai (giống như bị đút nút tai khiến tai khó chịu), chóng mặt (có cảm giác không vững, mất thăng bằng và rất hay bị chóng mặt), ù tai (người bệnh không nghe rõ, nghe kém, tai xuất hiện tiếng ù) và đối với thính lực đồ ở tai bệnh, thính lực giảm trên 30dB.
Ảnh minh họa |
Nguyên nhân dẫn đến điếc đột ngột
Có rất nhiều các rối loạn ảnh hưởng đến tai có thể gây ra điếc đột ngột nhưng chỉ có 10% những người được chẩn đoán mắc điếc đột ngột có nguyên nhân có thể xác định được, như:
Nhiễm trùng.
Chấn thương đầu.
Bệnh tự miễn.
Tiếp xúc với một số loại thuốc điều trị ung thư hoặc nhiễm trùng nặng.
Vấn đề lưu thông máu.
Rối loạn thần kinh, chẳng hạn như bệnh đa xơ cứng.
Nguyên nhân do người bệnh bị chấn thương ở vùng đầu, áp lực khi lặn sâu, leo vùng núi cao,... gây ra chấn thương hoặc chấn thương tai bởi những âm thanh quá lớn, rò ngoại dịch.
Thời gian dài làm việc ở môi trường có tiếng ồn với cường độ cao.
Thường xuyên căng thẳng, mệt mỏi, áp lực, chế độ ăn uống ngủ nghỉ không hợp lý, lạm dụng bia rượu.
Phòng tránh điếc đột ngột
Để đảm bảo tai bạn được an toàn, phòng tránh điếc đột ngột, cần lưu ý những điểm sau.
Bảo vệ và tuyệt đối không để bị chấn thương ở vùng đầu (tai).
Sử dụng dụng cụ riêng để lấy ráy tai.
Cần có thời gian nghỉ ngơi thư giãn mỗi ngày tránh stress.
Những nơi có tiếng ồn lớn, tránh đến.
Hạn chế dùng tai nghe.
Giữ gìn sức khỏe, bảo vệ bản thân khi ra đường bằng cách mang khẩu trang để tránh nguy cơ lây bệnh siêu vi.
Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, thực phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn, hạn chế bia, rượu, thuốc lá,…
Khi đã mắc các bệnh nội khoa như tim mạch, tiểu đường, huyết áp, tĩnh mạch,… các bệnh viêm nhiễm siêu vi không nên làm việc nhiều, hãy dành thời gian nghỉ ngơi và chăm sóc về sức khỏe tinh thần lẫn thể chất kết hợp với điều trị của bác sĩ.
Không làm việc trong môi trường quá ồn.
Chỉ sử dụng kháng sinh khi được bác sĩ kê đơn.