Ca nhiễm là nữ công nhân làm việc ở khu C nhà máy, cư trú tại hẻm 1E, đường số 6, khu dân cư Nam Long, phường An Lạc, quận Bình Tân được Bộ Y tế công bố tối 9/6. Bệnh nhân được phát hiện trong quá trình truy vết các trường hợp liên quan chuỗi lây nhiễm ở chung cư Ehome 3, đường Hồ Học Lãm. Chồng người này là nhân viên giao hàng trước đó được công bố mắc Covid-19.
141 trường hợp F1 của nữ công nhân đã được đưa đi cách ly tập trung. Khu vực người này làm việc bị phong toả, hơn 3.000 công nhân ở các chuyền còn lại thuộc khu C đã được lấy mẫu và phải cách ly tại nhà.
Công ty Pouyuen Việt Nam thuộc tập đoàn Pouchen của Đài Loan, hoạt động từ năm 1996 với ngành nghề sản xuất chính là giày thể thao. Đây là doanh nghiệp có số công nhân đông nhất TP HCM hiện nay. Mỗi ngày doanh nghiệp có khoảng 400 xe buýt đưa công nhân ở các tỉnh miền Tây đi về. Vì vậy, nguy cơ dịch bùng phát rất cao nếu nhiều ca bệnh xuất hiện ở công ty. Trước đó, hồi tháng 4/2020, Pouyuen bị dừng hoạt động 2 ngày để bảo đảm điều kiện chống dịch.
Thành phố hiện có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao, 1.500 doanh nghiệp đang hoạt động với hơn 320.000 công nhân, 3.000 chuyên gia nước ngoài. Đặc thù làm việc tập trung đông người, môi trường kín, sinh hoạt ở nhà trọ chật chội, đông đúc... nếu dịch xuất hiện ở khu công nghiệp được xem dễ bùng phát và khó kiểm soát.
Tại cuộc họp mới đây, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cũng đặc biệt lưu ý TP HCM bảo vệ nghiêm ngặt, chặt chẽ, chống dịch xâm nhập khu công nghiệp. "Nếu bùng phát ca nhiễm trong bệnh viện, toà nhà, cao ốc có thể thực hiện giãn cách xã hội, cách ly, nhưng dịch trong khu công nghiệp bắt buộc phải ngừng sản xuất", ông Long cảnh báo.
Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, với số lượng công nhân tập trung đông, các nhà máy, xí nghiệp nằm trong khu công nghiệp là nơi dịch dễ bùng phát, chỉ sau bệnh viện. Nhất là trong bối cảnh chủng virus mới từ Ấn Độ tốc độ lây lan nhanh hơn. Dịch bệnh trong các khu công nghiệp có thể làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, nền kinh tế của đất nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Bắc Giang và Bắc Ninh là 2 địa phương ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất trong đợt dịch này (4.787 ca chiếm hơn 2/3 tổng ca nhiễm cả nước) và đến nay vẫn chưa khống chế được là do dịch đã xâm nhập vào các nhà máy ở các khu công nghiệp. Riêng Bắc Giang đã phải cho 4 khu công nghiệp với 61.000 lao động dừng hoạt động để khoanh vùng, truy vết, hạn chế dịch lây lan.
Trước đó, hồi tháng 1 năm nay, đợt dịch thứ ba bùng phát ở Hải Dương cũng bắt nguồn từ một nữ công nhân làm việc tại Công ty TNHH Poyun, trong khu công nghiệp Cộng Hoà, TP Chí Linh. Sau bệnh nhân này, tỉnh phát hiện 72 ca khác, hầu hết là công nhân làm chung. Cả đợt dịch, Hải Dương ghi nhận 503 ca nhiễm.
Để chuẩn bị cho kế hoạch 2.000 giường bệnh với 200 giường hồi sức cho giai đoạn hiện nay, trong ngày 9/6, Sở Y tế TP HCM đã quyết định chuyển công năng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (400 giường) và Bệnh viện huyện Củ Chi (500 gường) thành nơi chuyên điều trị bệnh nhân Covid-19.
Đến tối 9/6, TP HCM ghi nhận 501 ca nhiễm tính từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát hôm 27/4, xếp thứ ba về tổng số ca trong cả nước. Trước đó, thành phố phát hiện 5 ca nhiễm ở khu công nghiệp là Vĩnh Lộc, Tân Bình, Tây Bắc Củ Chi, khu chế xuất Tân Thuận, cụm công nghiệp Phong Phú.
Trong ngày 9/6, Việt Nam ghi nhận thêm 381 ca nhiễm, trong đó 370 ca được phát hiện ở khu cách ly hoặc khu đã được phong toả. Tổng số ca nhiễm cả nước sau 43 ngày dịch bùng phát là 6.385.
Có 16 tỉnh (Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk, Nam Định, Hòa Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa) đã 14 ngày không ghi nhận ca mới.