Dịch vụ công cần “chính quy hóa”

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, xã hội hóa là một chủ trương đúng đắn nhằm nâng cao hiệu quả cung ứng dịch vụ công, vì từ thực tế có nhiều tổ chức công hoạt động kém hiệu quả, lãng phí nguồn lực ngân sách.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam (Hội thành viên Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho biết, tại Việt Nam, xã hội hóa được hiểu là chuyển giao việc cung ứng dịch vụ công cho các khu vực ngoài nhà nước; huy động đóng góp và động viên sự tham gia rộng rãi của công dân và các tổ chức xã hội, nghề nghiệp vào quá trình cung ứng dịch vụ công và Nhà nước là người chịu trách nhiệm trước xã hội về việc bảo đảm đáp ứng nhu cầu của nhân dân ở mức cao nhất với bất kỳ hình thức cung ứng nào.

TS Nguyễn Tùng Lâm

TS Nguyễn Tùng Lâm

Xã hội hóa dịch vụ công mang đến “lợi ích kép” cho cả khu vực nhà nước và tư nhân. Nhà nước giảm được gánh nặng, tập trung hơn vào công tác quản lý vĩ mô, từ đó tạo điều kiện để khu vực tư nhân có cơ hội đầu tư và cạnh tranh phát triển. Nhiều nhà cung ứng dịch vụ công sẽ tạo ra sự cạnh tranh nên dịch vụ cung cấp được rẻ hơn, tốt hơn; mặt khác, bộ máy nhà nước cũng gọn nhẹ và tiết kiệm hơn.

Tuy nhiên, để làm được điều trên, dịch vụ công cần “chính quy hóa” để đáp ứng nhu cầu của các tổ chức và công dân. Ví dụ, trong ngành tâm lý lâm sàng, những người muốn hành nghề cũng phải được chứng nhận và đơn vị thực hiện chứng nhận là các Hội ngành nghề thay vì các cơ quan quản lý nhà nước.

“Trước đây, Sở GD&ĐT Hà Nội có chương trình giáo dục cung cấp cho các trung tâm giáo dục ngoài nhà trường. Sở yêu cầu Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội giúp thẩm định xem có phù hợp với chương trình giáo dục chung của Nhà nước quản lý không, có tính khoa học, thực tiễn không và có phù hợp với tâm lý học sinh hay không... Điều này đều được Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội thực hiện hiệu quả. Và đây chính là dịch vụ công. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có quy định nào rõ ràng và cụ thể về dịch vụ công này nên để thực sự xã hội hóa cần phải được chính quy hóa, hợp pháp hóa bằng các Chỉ thị của Chính phủ”, TS Nguyễn Tùng Lâm nêu quan điểm.

TS Nguyễn Tùng Lâm cũng đề cập đến việc cấp chứng nhận nghề nghiệp là một dịch vụ công và các Hội nghề nghiệp – xã hội có vai trò quan trọng trong việc đánh giá, thẩm định và cấp chứng nhận nhằm nâng cao chất lượng nguồn lực.

Một người được đào tạo xong đại học chưa phải đã được hành nghề luôn mà phải có thời gian thực hành và được giám sát, đánh giá để cấp chứng chỉ hành nghề và nơi cấp chính là các Hội ngành nghề. Có như vậy mới nâng cao được chất lượng nguồn lực lao động và giúp cho các cơ sở có được nhân sự tốt, thực chất.

Muốn làm được điều đó cần phải đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công, phải được chính quy hóa bằng pháp lý và khẳng định vai trò của các Hội nghề nghiệp.

Theo Đời sống
back to top