<div> <div>Chiều 12.3, ông Nguyễn Huy Đăng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội, cho biết: Hiện Hà Nội đã phát hiện 5 ổ dịch tả lợn châu Phi tại Long Biên, Đông Anh, Hoàng Mai, Gia Lâm và Sóc Sơn, trong đó riêng Gia Lâm có đến 4 hộ phát hiện dịch. Đáng chú ý, đây đều là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.</div> <div>Kể từ 8.3 đến nay, Hà Nội chưa phát hiện thêm ổ dịch nào mới, nhưng cũng chưa có ổ dịch nào đã qua 30 ngày như quy định. Do đó, nguy cơ bùng phát dịch vẫn là rất lớn.</div> <div>Dù tổng số lợn phải tiêu hủy của các hộ nhiễm dịch mới là 172 con, nhưng các xã có dịch có đến hơn 21.397 con lợn, nên việc vừa hỗ trợ các hộ chăn nuôi bảo vệ đàn, tiêu thụ thịt lợn, vừa tránh lây lan dịch là rất quan trọng.</div> <div> <table align="center"> <tbody> <tr> <td> <div> </div> </td> </tr> </tbody> </table> </div> <div>“Vừa rồi 1 trang trại có 65 con lợn nái ngoại và 600 con lợn con ở huyện Phúc Thọ xuất hiện lợn chết. Chúng tôi đến lấy mẫu và xét nghiệm là dương tính. Tuy nhiên, Sở quyết định không tiêu hủy ngay mà tiếp tục gửi đi mẫu đi 2 nơi khác để đối chiếu, thì lại âm tính, nên giữ được đàn lợn. Quan điểm chuyên môn là rất kỹ càng trước khi quyết định tiêu hủy, nhất là với các hộ nuôi lớn, phải lấy 3 mẫu kiểm tra mới đưa ra quyết định. Với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì 2 mẫu”, ông Đăng nói.</div> <div>Cũng theo ông này, Hà Nội vẫn tạo điều kiện cho các hộ trong khu vực đã xuất hiện dịch nhưng không nhiễm dịch tiêu thụ thịt lợn, nhưng chỉ tiêu thụ nội bộ khu vực đó, chứ không vận chuyển ra ngoài, để tránh lây lan dịch.</div> <div>Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT Hà Nội cũng đề nghị người dân không quay lưng với thịt lợn. “Đây là bệnh chỉ nguy hiểm về mặt kinh tế thôi, chứ không lây sang người. Chúng tôi khuyến cáo người dân ăn thịt lợn bình thường, nhưng phải ăn chín uống sôi, ăn thịt rõ nguồn gốc (kể cả trong thời điểm không có dịch). Để người dân yên tâm hơn, chúng tôi đã giao thú y đi lấy mẫu test nhanh ở các lò mổ và chợ truyền thống, nếu dương tính thì đề nghị dừng bán và hủy ngay”.</div> <div>Liên quan đến việc một số người lan truyền tin giả trên mạng và một số trường mầm non trên địa bàn thậm chí còn tẩy chay thịt lợn, ông Đăng cho biết đã có khuyến cáo đến các trường. “Tất nhiên các trường cho học sinh ăn gì là quyền của họ và các vị phụ huynh, nhưng chúng tôi khuyến cáo là nếu mua thịt có nguồn gốc, nấu chín thì thịt lợn rất an toàn”, ông Đăng cho biết.</div> <div>Khuyến cáo cụ thể hơn, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cho biết do virus chết ở 70 độ C nên người dân nên nấu chín, tuyệt đối không sử dụng tiết canh, nem chạo, thịt hun khói để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi.</div> </div> <p> </p>