Bệnh dễ lây thành dịch ảnh hưởng thị lực lâu dài
Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, trong một tháng trở lại đây, Khoa Mắt của bệnh viện đã tiếp nhận gần 50 ca viêm kết mạc cấp. Trong có 10-20% trẻ gặp biến chứng nặng như: Có giả mạc cần bóc, bị trợt giác mạc (trầy xước giác mạc).
Theo BS Phạm Giang, CDC Quảng Ninh cho biết, bệnh viêm kết mạc cấp (hay còn gọi là đau mắt đỏ) là tình trạng viêm phần lòng trắng trong suốt của mắt (kết mạc nhãn cầu và mi mắt), bệnh thường xuất hiện vào mùa xuân hè, dễ lây lan thành dịch.
Dịch đau mắt đỏ diễn biến phức tạp: cẩn thận sẹo giác mạc, giảm thị lực |
Bệnh thường khởi phát từ 3-7 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh, triệu chứng bao gồm xung huyết kết mạc (đỏ mắt), kích thích chảy nước mắt, mắt có nhiều ghèn rỉ (có thể rỉ trắng, tiết tố dính nếu bệnh do virus, hoặc có thể rỉ xanh-vàng nếu do bội nhiễm vi khuẩn). Ở trẻ nhỏ có thể đi kèm triệu chứng viêm mũi, họng, viêm đường hô hấp, sốt…
Đặc biệt, ở trẻ em, bệnh có thể xuất hiện giả mạc (là một lớp màng trắng, mỏng phủ lên trên kết mạc gây chảy máu, làm bệnh lâu khỏi hoặc có thể gây tổn thương giác mạc), viêm giác mạc chấm nông.
Một số ít trường hợp có thể bội nhiễm gây biến chứng viêm loét giác mạc, làm ảnh hưởng tới thị lực lâu dài.
Nhiều nguyên nhân gây bệnh
Dịch viêm kết mạc thường do virus gây ra, 80% là Adenovirus, ngoài ra có thể gặp do các nguyên nhân khác như virus Herpes, Thủy đậu, Poxvirus… Trẻ lây bệnh qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mắt, mũi, miệng (tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, dụi tay vào mắt, sử dụng chung đồ cá nhân với người bệnh…).
Thạc sĩ, bác sĩ Lưu Thị Quỳnh Anh, Phó trưởng Khoa Mắt, bệnh viện Nhi TƯ khuyến cáo, để phòng tránh bệnh, mọi người cần hạn chế dụi tay vào mắt, mũi, miệng. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn tay.
Nếu mắt chảy nhiều nước mắt, có nhiều ghèn rỉ mắt thì sử dụng khăn giấy hoặc bông gạc y tế (sử dụng 1 lần) để vệ sinh, sau đó bỏ vào thùng rác có nắp đậy để tránh tạo thành nguồn lây cho gia đình và người chung quanh, sát khuẩn tay sau khi vệ sinh mắt.
Không sử dụng kính áp tròng khi đang bị viêm kết mạc. Sử dụng riêng các vật dụng cá nhân như đồ ăn, uống, chậu-khăn rửa mặt, chăn, gối ngủ.
Đeo khẩu trang khi có các triệu chứng ho, hắt hơi… Vệ sinh bàn ghế, không gian sinh hoạt, vui chơi của trẻ bằng các dung dịch sát khuẩn bề mặt. Hạn chế tiếp xúc ở nơi đông người.
Dịch đau mắt đỏ diễn biến phức tạp: cẩn thận sẹo giác mạc, giảm thị lực |
Phòng ngừa bệnh viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh
Đôi mắt của trẻ sơ sinh dễ bị nhiễm vi khuẩn thường có trong ống sinh của người mẹ. Những vi khuẩn này không gây ra triệu chứng ở người mẹ. Trong một số trường hợp hiếm hoi, những vi khuẩn này có thể khiến trẻ sơ sinh phát triển một dạng viêm kết mạc nghiêm trọng được gọi là bệnh viêm kết mạc có mủ (ophthalmia neonatorum), cần được điều trị ngay lập tức để bảo tồn thị lực.
Đó là lý do tại sao ngay sau khi sinh, một loại thuốc mỡ kháng sinh được bôi vào mắt trẻ sơ sinh giúp ngăn ngừa nhiễm trùng mắt.
Viêm kết mạc mắt ở trẻ em thường khiến bậc phụ huynh vô cùng lo lắng, tuy nhiên không nên tự ý cho trẻ dùng thuốc được kê toa hoặc thuốc dùng cũ của người khác. Việc sử dụng thuốc không phù hợp có thể khiến bệnh nặng, nguy cơ biến chứng cao hơn.
Trẻ nhỏ cũng khó nằm yên để có thể dùng thuốc nhỏ mắt vệ sinh, làm sạch mắt. Vì thế cần để trẻ nằm xuống nơi bằng phẳng, hướng dẫn trẻ khép hờ mắt lại rồi nhỏ từ từ ở góc mắt bên cạnh sống mũi. Dịch thuốc sẽ từ từ lan đều trong mắt trẻ, làm sạch các màng nhầy bị nhiễm trùng mà không gây đau đớn, khó khăn cho trẻ.
Dù sử dụng bất cứ loại thuốc điều trị nào, cha mẹ cũng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ. Đặc biệt khi trẻ có các triệu chứng bệnh như đỏ mắt, chảy nước mắt, ra nhiều rỉ ghèn cần cho đến các cơ sở khám mắt để được điều trị và xử lý biến chứng kịp thời.