Tính đến 6h ngày 5/5, Việt Nam không có ca mắc mới do lây nhiễm trong cộng đồng. Cho đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong do Covid-19. Bệnh nhân số 251 tử vong là do xơ gan giai đoạn cuối.
Bệnh nhân 251 là nam (64 tuổi, quê ở Bình Lục, Hà Nam) đã được điều trị tại Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam từ ngày 20/3 với các bệnh xơ gan giai đoạn cuối, suy kiệt, bệnh gút nặng, cứng khớp, teo cơ. Ngày 7/4, xét nghiệm cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2, được chuyển tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư. Sau thời gian điều trị đã 4 lần xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 vào các ngày 10, 12, 15 và 17/4, bệnh nhân được Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư xác định khỏi bệnh, không còn bị nhiễm Covid-19, tình trạng các bệnh lý khác ổn định, chuyển tuyến dưới để điều trị bệnh xơ gan từ ngày 17/4.
Bệnh nhân tử vong với chẩn đoán do xơ gan giai đoạn cuối. Khi bệnh nhân tử vong, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam đã tiến hành làm xét nghiệm SARS-CoV-2 cho kết quả âm tính, bệnh nhân không có bất cứ triệu chứng nào của tổn thương phổi do Covid-19 gây ra. Ngày 4/5, Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế đã họp với các chuyên gia đầu ngành và xác định trường hợp tử vong này không phải do Covid-19.
Bệnh nhân duy nhất nhiễm Covid-19 điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình được công bố khỏi bệnh. |
Trả lời về diễn biến dịch bệnh tại Việt Nam, PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cấp cao Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế Việt Nam cho biết, đến nay chưa có nước nào hay chuyên gia nào dám khẳng Covid-19 sẽ trở thành như cúm mùa hay nặng lên như SARS và cũng không biết dịch sẽ kéo dài đến lúc nào.
Dịch SARS phần lớn là ca bệnh nặng, phải vào bệnh viện nên quản lý được. SARS không lây lan nhiều như Covid-19. Vì thế, bệnh chỉ chỉ tồn tại ở một số nước, khi chúng ta quản lý được thì dịch cũng hết, chỉ kéo dài vài tháng.
Ngược lại, dịch Covid-19 có rất nhiều ca bệnh không triệu chứng, ca bệnh sốt nhẹ, ho chỉ như cúm và nó có thể tồn tại trong cộng đồng và lây lan. Hơn nữa, hiện vẫn chưa có văcxin phòng ngừa nên dịch có sự lây lan kéo dài. Vì vậy, phương pháp phòng chống dịch của Việt Nam vẫn là làm sao ngăn chặn, phát hiện, cách ly khoanh vùng và dập dịch để “đốm lửa nhỏ đừng bùng lên thành đám cháy lớn”.