Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã ban hành khung kế hoạch năm học 2021-2022 với ngày tựu trường, sớm nhất là 1/9, lớp 1 từ ngày 23/8 và tổ chức khai giảng vào ngày 5/9. Bên cạnh đó, thời gian nghỉ học, tựu trường sớm và kéo dài năm học không quá 15 ngày so với khung kế hoạch. Trên cơ sở đó, nhiều địa phương đã thông báo về thời gian cho học sinh tựu trường, khai giảng.
Trao đổi với phóng viên bên lề buổi họp báo thường kỳ Chính phủ, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn lý giải, hàng năm, Bộ GD&ĐT đều có chỉ thị, công văn hướng dẫn nhiệm vụ năm học cho các cấp để cụ thể hóa khung kế hoạch cho phù hợp với tình hình thực tế.
Trước diễn biến từ dịch bệnh COVID-19, Bộ trao quyền cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định kế hoạch thời gian năm học cụ thể cho các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn, đảm bảo phù hợp với thực tiễn của mỗi địa phương.
Việc điều chỉnh thời gian không quá 15 ngày so với khung kế hoạch năm học 2021-2022, để bảo đảm hoàn thành chương trình giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên trong trường hợp đặc biệt.
“Trong các tình huống, Bộ GD&ĐT luôn phải đặt sự an toàn của học sinh, cán bộ, giáo viên lên trên hết”, Thứ trưởng nhấn mạnh, đồng thời cho biết, hiện tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp ở một số địa phương, nhưng cũng có nhiều nơi dịch bệnh trong tầm kiểm soát và có thể thực hiện theo đúng các mốc đã quy định trong khung kế hoạch năm học.
Đối với những địa phương phải giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, như TPHCM và một số tỉnh phía Nam, không thể tựu trường vào ngày 1/9, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố có thể quyết định thời gian tựu trường muộn hơn mức khung đưa ra, ví dụ ngày 10/9 hay 15/9, thậm chí sang tháng 10. Cùng với đó, năm học cũng kết thúc chậm hơn 15 ngày so với khung.
Trong trường hợp kéo dài năm học muộn hơn 15 ngày, nhưng vẫn chưa thể kết thúc năm học, Sở GD&ĐT báo cáo Bộ, cùng bàn bạc, phối hợp với địa phương có giải pháp phù hợp.
“Như năm học 2019-2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn kết thúc năm học vào tháng 7/2020, thay vì 31/5 như kế hoạch ban đầu”, Thứ trưởng cho hay.
Cũng theo lãnh đạo ngành giáo dục, khi xây dựng quy định khung kế hoạch năm học, Bộ đã xem xét tới việc nên hay không nên lùi thời gian tựu trường sớm nhất. Nhưng việc lùi chung cũng có những bất cập. Vì khó có thể lường được dịch bệnh sẽ tiếp diễn như thế nào nên không thể vì một vài tỉnh thành mà cả nước lùi năm học.
“Thời điểm này dịch bệnh ở địa phương này, nhưng có thể một thời gian nữa lại xuất hiện ở địa phương khác, nếu lùi như vậy không thể bắt đầu được năm học. Hàng năm, các tỉnh miền Trung thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, nếu cũng phải lùi năm học theo Hà Nội, TPHCM, rồi tới mùa bão lũ tiếp tục phải cho học sinh nghỉ học thì sẽ rất khó khăn cho những địa phương này”, ông Sơn lý giải.
Do vậy, Bộ ban hành khung kế hoạch năm học dùng chung cho cả nước, còn địa phương phải linh hoạt quyết định kế hoạch thời gian năm học phù hợp với tình hình thực tiễn.
“Khó khăn về dịch bệnh trong hai năm qua khiến ngành giáo dục bị ảnh hưởng rất nhiều”, theo ông Sơn, điều này rất cần sự chia sẻ, đồng lòng góp sức của địa phương và nhà trường.