Mong cho con có đủ chất nên cái gì tươi nhất, ngon nhất thì chị Thu Hà (Linh Đàm, Hà Nội) đều lấy nấu cháo hoặc bột cho con. Hôm vừa rồi có chút mực tươi mua được ngoài chợ, chị băm nhỏ nấu cháo cho con. Con chị ăn xong một lúc thì dị ứng, ngứa khắp người, chị phải cho cháu uống nước bột sắn, nước cam chanh, phải đến hôm sau cháu mới hết ngứa.
Lời bàn: BS Nguyễn Thị Lan (Đồng Tâm, Hà Nội) cho biết, các cháu nhỏ chưa ăn hải sản bao giờ rất dễ dị ứng. Trẻ đã bị dị ứng hải sản thì lần sau mẹ cũng không nên cho ăn. Có những cháu hồi bé không ăn được hải sản nhưng lớn lên thì tình trạng dị ứng giảm dần nhưng cũng có cháu không ăn được cho đến suốt đời. Dị ứng hải sản xảy ra khi chất gây dị ứng trong hải sản đi vào cơ thể gây phản ứng, cơ thể sẽ sinh ra kháng thể để chống lại chất gây dị ứng. Khi lượng hải sản được tiếp tục đưa vào cơ thể, cơ thể lập tức phản ứng, sinh ra histamine do sự kết hợp của kháng thể với tế bào miễn dịch. Histamine giải phóng ra ngoài có thể gây mẩn đỏ, ngứa, phát ban ngoài da hoặc có thể gây đau bụng, tiêu chảy. Người ăn hải sản bị dị ứng nhẹ chỉ có nổi mề đay, ngứa ngáy khó chịu. Sau một thời gian ngắn, những mẩn đỏ tự lặn. Dị ứng hải sản có thể dẫn đến biến chứng nặng như sốc phản vệ, tim đập nhanh, chóng mặt, người lả đi, cảm thấy khó thở, vì vậy, nếu muốn cho trẻ nhỏ ăn hải sản thì nên ăn lượng từ ít đến nhiều, cho ăn thăm dò trước xem cơ thể phản ứng ra sao sau đó mới nâng dần lượng hải sản lên.