Góp vốn bằng nhà đất công sản
Năm 2016, Công ty CP Nông nghiệp Hà Nội – GFS (gọi tắt là GFS – PV) được thành lập dựa trên 3 pháp nhân chính. Một là Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội (HAIC). Hai là Công ty CP quan hệ Quốc tế Đầu tư và sản xuất (GFS). Ba là Công ty CP Văn hoá phẩm và Bao bì Hà Nội.
Lưu ý là, Công ty CP Văn hoá phẩm và Bao bì Hà Nội là doanh nghiệp thuộc chuỗi thành viên của GFS. Hai công ty “họ” GFS này nắm 60% vốn điều lệ tại pháp nhân mới - nơi HAIC sẽ “đóng cổ phần” bằng 7 nhà, đất công sản để năm 40% vốn điều lệ còn lại – theo đồng ý của UBND thành phố Hà Nội.
Việc đồng ý góp vốn này thể hiện tại Công văn số 4768/UBND-KT của UBND TP Hà Nội ban hành ngày 11/8/2016. Theo đó, UBND TP Hà Nội cho phép HAIC góp vốn theo phương án như trên. Pháp nhân mới này (Công ty CP Nông nghiệp Hà Nội – GFS) được tiếp nhận và tổ chức sản xuất, kinh doanh tại 7 cơ sở nhà, đất mà HAIC đem góp vốn.
Về giá trị, vốn điều lệ của Công ty CP Nông nghiệp Hà Nội – GFS được xác định là 25 tỷ đồng. Trong đó, tỷ lệ phần nắm giữ của HAIC là 40%, tương ứng 10 tỷ đồng. Nói cách khác, 7 nhà, đất công sản mà HAIG “quản lý, sử dụng” bằng cách đem góp vốn chỉ có trị giá 10 tỷ trong pháp nhân mới.
Thông tin bổ sung, Công văn số 4768/UBND-KT của UBND TP Hà Nội ban hành ngày 11/8/2016 yêu cầu 2 cổ đông “họ GFS” bên cạnh việc góp đủ vốn, thì cũng phải hỗ trợ HAIC số tiền 48 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thông tin tưởng rõ ràng ấy, hóa ra lại rất mù mờ. Vì cho đến nay, các thông tin về 7 nhà, đất công sản đã đem góp vốn vào Công ty CP Nông nghiệp Hà Nội – GFS chưa được công bố, kèm theo là các thông tin về diện tích, vị trí, giá trị… của 7 công sản ấy.
Đồng thời, số tiền 48 tỷ đồng mà HAIC được “hỗ trợ” từ GFS là tiền cho không, hay cho vay, đã “hỗ trợ” chưa, được sử dụng như nào… hiện vẫn không có thông tin.
Trụ sở của HAIC tại số 114 - 116 đường Hoàng Quốc Việt đã được UBND TP Hà Nội chấp thuận về chủ trương để xây dựng Trung tâm thương mại |
"Hôn nhân trong bóng tối"
KH&ĐS đã tìm tới HAIC để mong được tìm hiểu về việc góp vốn bằng 7 nhà, đất chỉ có trị giá “10 tỷ đồng” trong pháp nhân mà doanh nghiệp này góp vốn. Tuy nhiên, đại diện HAIC đã tránh mặt.
Qua nguồn tin riêng, KH&ĐS được biết HAIC có 2 dự án đầu tư xây dựng gắn với chuyển mục đích sử dụng đất đã được UBND TP Hà Nội chấp thuận về chủ trương. Đó là Dự án tại số 114 – 116, đường Hoàng Quốc Việt, phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy và dự án tại khu B5, Cầu Diễn, quận Bắc Từ Liêm.
Trong đó, Dự án Trung tâm thương mại và dịch vụ tại số 114 – 116, đường Hoàng Quốc Việt có đầu tư tạm tính là hơn 100 tỷ đồng, diện tích thực hiện dự án là 1.011 m2. Còn Dự án Khu nhà ở cao tầng tại khu B5 Cầu Diễn có tổng đầu tư tạm tính là hơn 279,3 tỷ đồng, diện tích thực hiện 22.352,5 m2.
Theo Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2018 của HAIC công bố, tổng số tiền chi phí cho xây dựng cơ bản dở dang của doanh nghiệp này là hơn 64,1 tỷ đồng. Chi cho các dự án Công trình B5 Cầu Diễn, Công trình số 116 Hoàng Quốc Việt, Công trình Vườn sinh thái Tây Đô, Công trình Vườn thực vật Hà Nội, Công trình gạch Tuynen Hải Dương, công trình Nhổn.
Trong đó, dự án Trung tâm thương mại tại số 116 Hoàng Quốc Việt đã chi gần 1,8 tỷ đồng, dự án công trình B5 Cầu Diễn đã chi hơn 29,2 tỷ đồng, Dự án Công trình gạch Tuynen Hải Dương đã chi hơn 20,1 tỷ đồng … số tiền còn lại chi cho các công trình như Vườn sinh thái, vườn thực vật, công trình Nhổn… Lưu ý là, nhưng UBND TP Hà Nội đã đồng ý về chủ trương cho HAIC được tiến hành các dự án này, nhưng để triển khai, công ty này cần hoàn thành các thủ tục pháp lý để dự án được cấp phép xây dựng và đồng thời có vốn đầu tư cho dự án.
Theo thông tin công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong cơ cấu doanh thu hiện tại của GFS thì 90% từ Bất động sản. Dự kiến đến năm 2025 cơ cấu doanh thu sẽ thay đổi. Theo đó, doanh thu từ Bất động sản chỉ chiếm 30%, 70% còn lại từ nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao.
Trong kế hoạch của HAIC còn một phần việc rất quan trọng, đó là tiến hành các thủ tục cổ phần hoá doanh nghiệp này. Trong phương án của doanh nghiệp này cho biết có nội dung tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược cho pháp nhân mới sau khi cổ phần hoá. Thú vị là, trong khi có thông tin được GFS "hỗ trợ" 48 tỷ đồng, thì chiến lược hoạt động mới, sau khi cổ phần hoá của HAIC cũng cho thấy, bất động sản vẫn đóng vai trò chủ chốt, bên cạnh việc phát triển các dự án nông nghiệp hữu cơ.
Nói cách khác, chiến lược phát triển này của HAIC trùng khớp một cách vô tình với với chiến lược và mảng hoạt động chính của GFS - nhà tài trợ, cổ đông chính - trong pháp nhân mà HAIC đã góp 10 tỷ đồng bằng 7 nhà, đất đang quản lý, sử dụng.
Cần lưu ý, 7 nhà, đất mà HAIC đã góp vốn vào pháp nhân đã trở thành công ty con của GFS đều là công sản của thành phố Hà Nội. Do đó, việc che dấu thông tin công khai về việc góp vốn bằng nhà đất ấy, chỉ đem lại những nghi ngờ về sự khuất tất không nên có về thương vụ góp vốn bằng tài sản công này. Và điều đó đang trái với nguyên tắc quản lý tài sản công hiện nay.