<p> </p> <p><strong>Đường sắt và hàng không bắt đầu cạn vé</strong></p> <p>Với hàng không, theo kế hoạch, các hãng hàng không nội địa dự kiến cung ứng gần 1,9 triệu chỗ với 8,7 nghìn chuyến nội địa và quốc tế trong giai đoạn từ 26/4 - 5/5/2019 (tăng 10% so với cùng kỳ năm trước). Khảo sát chiều 25/4 trên các trang bán vé máy bay online của các hãng hàng không Việt Nam, chúng tôi ghi nhận nhiều chuyến bay đã hết vé.</p> <p>Cụ thể, ngày 27/4 (ngày đầu nghỉ lễ) với chặng bay Hà Nội - TPHCM, Vietnam Airlines khai thác 21 chuyến bay trong ngày, hiện chỉ 19 chuyến bay còn vé. Trong đó, các chuyến bay ban ngày từ 6-18h chỉ còn ghế hạng thương gia, mức giá trên 6,1 triệu đồng; một số chuyến bay tối (sau 19h) vẫn còn ghế hạng phổ thông và thương gia, nhưng mức giá vé cũng từ trên 3,5 triệu đồng/vé. Cùng ngày ở chiều bay ngược lại có 25 chuyến bay còn vé, nhưng một số giờ bay đẹp cũng hết vé phổ thông, chỉ còn vé thương gia.</p> <p>Với Vietjet, cùng ngày chặng bay Hà Nội - TPHCM có 19 chuyến bay, nhưng 3 chuyến bay buổi sáng hết vé. Các chuyến còn lại có vé với mức giá từ 2 triệu đồng trở lên (tuỳ giờ bay). Chiều bay ngược lại hãng này có 21 chuyến bay, với 2 chuyến hết vé, các chuyến còn lại còn vé giá từ 2 triệu đồng/vé trở lên.</p> <p>Với đường sắt, đơn vị khai thác đường sắt cho biết, trong các ngày cao điểm đầu nghỉ lễ (26-27/4) và cuối dịp nghỉ lễ (30/4-1/5), vé các chặng nối ga Hà Nội, ga Sài Gòn đi các điểm du lịch khu vực miền Trung (Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang…) đã cơ bản hết vé. Với tàu chạy các ngày thấp điểm, chặng từ các điểm du lịch miền Trung đi Hà Nội/Sài Gòn, chặng dài Hà Nội - Sài Gòn, hoặc các chặng ngắn từ Hà Nội đi các tỉnh phía Bắc lượng vé vẫn còn nhiều. Theo kế hoạch, trong thời gian từ 25/4 - 5/5, đường sắt phía Bắc tăng cường thêm khoảng 43 chuyến tàu cả khu/đoạn và tuyến Bắc - Nam, cung cấp thêm khoảng 34.000 chỗ. Đường sắt phía Nam chạy thêm khoảng 87 chuyến tàu, với 43.500 chỗ.<br /> <br /> <strong>17 số điện thoại đường dây nóng về giao thông</strong></p> <p>Để tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân về tình hình giao thông đi lại dịp Lễ 30/4 - 1/5, Ủy ban ATGT Quốc gia cũng vừa công bố tới 17 số điện thoại “đường dây nóng” tiếp nhận và xử lý thông tin.</p> <p>Theo đó, đường dây nóng của Cục Cảnh sát giao thông: 0995676767; 0692342608, tiếp nhận phản ánh về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; tình hình trật tự ATGT, ùn tắc giao thông.</p> <p>Phản ánh các thông tin về lĩnh vực giao thông đường bộ, liên hệ đường dây nóng của Bộ GTVT số: 0964045445; 0962665953, hoặc số của Tổng cục Đường bộ: 0983608989; 0916608085; 0903479808. Phản ánh về lĩnh vực đường sắt, liên hệ Cục Đường sắt: 0865367565. Phản ánh về lĩnh vực hàng không, liên hệ Cục Hàng không: 0916562119.</p> <p>Phản ánh thông tin liên quan lĩnh vực đường thủy nội địa, liên hệ Cục Đường thủy nội địa: 0243.8451888; 0942107474. Phản ánh về lĩnh vực hàng hải liên hệ Cục Hàng hải: 0912439787. Phản ánh về tình hình trật tự ATGT, tai nạn giao thông, liên hệ Ủy ban ATGT Quốc gia số: 0989088719; 0981759328; 0936173906; 0936198387; hoặc Bộ GTVT số: 0977497891.</p> <p>Theo một lãnh đạo Bộ GTVT, các số đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh về giao thông của bộ hoạt động quanh năm. Tuy nhiên, các phản ánh của người dân chủ yếu tập trung vào các dịp lễ, tết.</p> <p>Mỗi đầu số ngày nhận nhiều nhất cũng chỉ khoảng 10 phản ánh. Sau khi tiếp nhận phản ánh, cán bộ cầm số sẽ chuyển thông tin về lực lượng cảnh sát giao thông, hoặc cơ quan chức năng các địa phương để xử lý. Đa số phản ánh liên quan tới các vi phạm của xe khách, như chở quá số người quy định, thu cước cao hơn đăng ký...</p> <p>“Có trường hợp báo lại không xác minh được, hoặc đã xử lý, nhưng không ít phản ánh sau khi chuyển đi không có hồi âm lại. Tuy nhiên, có một số phản ánh do các doanh nghiệp vận tải cạnh tranh không lành mạnh, nhắn thông tin giả để gây phiền hà cho doanh nghiệp khác”, lãnh đạo Bộ GTVT nói.</p> <p>Theo vị này, nhận thấy bất cập của việc có quá nhiều đầu số đường dây nóng nhận phản ánh về giao thông, nên từ 3-4 năm trước, Bộ GTVT đã nghiên cứu để lập 1 đầu mối tiếp nhận duy nhất. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, như phải thêm biên chế, đầu mối nên tới nay vẫn chưa thể thống nhất về một đầu mối.</p> <p>Ủy ban ATGT Quốc gia đề nghị người tham gia giao thông khi phản ánh tới các “đường dây nóng” cần cung cấp đầy đủ thông tin, gồm: Hành trình, địa điểm, biển kiểm soát phương tiện; số hiệu chuyến bay; thời gian; lỗi vi phạm hoặc vấn đề gây mất trật tự ATGT. Các phản ánh ưu tiên sử dụng tin nhắn để bảo đảm chính xác, thuận tiện và an toàn.</p> <div> <div> <blockquote class="summarize cms-quote"> <p> </p> </blockquote> </div> </div> <div> <div> <ul> <li> <article class="story wide-story " data-id="1107300"> </article> </li> </ul> </div> </div>