Ngày 17/5 vừa qua khoa Cấp Cứu - Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ vừa tiếp nhận trường hợp bé trai N.M.Đ. 13 tuổi (Hưng Phú, Cái Răng, Cần Thơ) vào viện trong tình trạng sốc phản vệ do bọ cạp cắn khi đang bắt ốc ở ven sông.
Tại khoa cấp cứu, bác sĩ tiếp nhận bé trong tình trạng nặng, mệt lừ, suy hô hấp, tụt huyết áp, nổi mẩn đỏ rải rác vùng ngực, vết bọ cạp cắn ở mắt cá chân trái bầm kèm rỉ máu tại chỗ bị cắn, sưng nề 1/3 dưới cẳng chân trái. Nhận định đây là 1 tình trạng Sốc phản vệ nặng các bác sĩ khoa Cấp cứu khẩn trương chống sốc, hỗ trợ hô hấp.
Sau hồi sức 30 phút em bắt đầu tỉnh táo hơn, huyết áp ổn, giảm khó thở. Bên cạnh điều trị sốc phản vệ bé được điều trị kết hợp truyền kháng sinh, kháng viêm, giảm đau, kháng Histamin, tiêm kháng độc tố uốn ván,....
Vết bọ cạp cắn ở trẻ - Ảnh BVCC |
Qua 12 giờ điều trị hiện sức khỏe trẻ ổn định, chuyển khoa Nội Tim Mạch điều trị tiếp tình trạng viêm nhiễm, sưng nề do vết bọ cạp cắn. Và đây là 1 trường hợp ít gặp khi trẻ bị sốc phản vệ do bò cạp cắn ở vùng Đồng bằng Sông cửu Long.
Theo y văn ghi chép, phần lớn trường hợp bị bọ cạp cắn là do tai nạn. Bọ cạp vốn là loài khá nhút nhát, chúng thường tránh xa con người. Những trường hợp bị đốt là khi chúng bị đe dọa, dồn vào góc hoặc vô tình bị dẫm lên.
Bọ cạp ở Việt Nam có độc tính không cao ít khi có triệu chứng nặng dẫn đến tử vong. Vết chích của bọ cạp Việt Nam thường chỉ gây sưng, nóng, đỏ và đau nhức. Ở trẻ em các triệu chứng tương tự như người lớn nhưng thường nặng nề và kéo dài hơn.
Qua trường hợp trên BS cảnh báo khi trẻ bị bọ cạp cắn hay các côn trùng có nọc độc sau khi sát trùng vết cắn, nên đưa bệnh nhân tới bệnh viện gần nhất để bác sĩ khám, xử trí kịp thời, tránh gây ra các biến chứng khó lường.
BS Dương Thị Huyền Trang (Khoa cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng, TP Cần Thơ)