Đề xuất xét đặc cách tốt nghiệp THPT, để đại học tự tuyển sinh

(khoahocdoisong.vn) - Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc đề xuất xét đặc cách tốt nghiệp THPT là một lựa chọn hợp lý. Các trường đại học dẫu có khó khăn hơn, nhưng vẫn có giải pháp để tuyển sinh.

Chỉ thi đại học một môn

Ngay sau khẳng định của Bộ GD&ĐT về việc sẽ vẫn tiếp tục tổ chức kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2020 theo đúng lịch vào ngày 9 - 10/8 trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều ý kiến cho rằng, có thể tính toán tới việc hủy kỳ thi, xét đặc cách tốt nghiệp cho tất cả học sinh cả nước. Hoặc lùi thời gian thi.

Trao đổi với phóng viên KH&ĐS về vấn đề này, thầy giáo Đào Tuấn Đạt, Hiệu trưởng Trường THPT Anhxtanh, Hà Nội; giảng viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ, phải là người trực tiếp dạy mới biết, chưa bao giờ có một năm học dài và vất vả như năm học này.

Tâm trạng của học sinh rất lo lắng. Các em vừa mới cởi bỏ được một chút tâm lý căng thẳng sau đợt dịch Covid-19 vừa rồi, thì giờ dịch lại quay trở lại. Tâm lý này chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn tới việc thi cử.

Đặc biệt, đối với các trường hợp các thí sinh trong phòng cách ly lại càng áp lực, căng thẳng. Điều này sẽ là sự mất công bằng khi so sánh với các thí sinh thi trong điều kiện bình thường, sức khỏe bình thường ở bên ngoài.

Ngoài ra, trong trường hợp nếu giãn cách xã hội, số phòng thi sẽ phải tăng lên, người coi cũng tăng lên, công tác tổ chức thi sẽ rất vất vả. Việc phân giám thị vào trong khu cách ly, đảm bảo quy chế thi như thế nào ở trong khu cách ly, sát khuẩn để thế nào để bài thi không là nguồn lây bệnh… là một vấn đề phức tạp.

Và một điều đặc biệt quan trọng, đó là, với tình hình dịch đang diễn biến phức tạp sẽ rất khó kiểm soát được F1, F2, F3… Trong khi đó, với sự tập trung hàng triệu học sinh đi thi, và các cán bộ tham gia kỳ thi, tập trung trong không gian phòng thi… liệu có dám chắc đảm bảo được an toàn, hay sẽ là nguồn lây khiến bùng phát dịch.

Cho nên, việc xét đặc cách tốt nghiệp là hoàn toàn hợp lý. Việc tuyển sinh nên để cho các trường đại học lo. Các trường đại học hoàn toàn vẫn có thể lo được việc tuyển sinh. Bởi thực tế, những trường đại học top 2 vẫn xét tuyển học bạ, giờ vẫn thực hiện như vậy, không ảnh hưởng gì.

Còn những trường ở top trên, có thể tổ chức thi, Bộ GD&ĐT có thể đứng ra tổ chức kỳ thi này, nhưng chỉ thi một môn, ví dụ ưu tiên một trong những môn như Toán, Văn, năng khiếu… thi trong một ngày, chia làm hai ca để đảm bảo an toàn, giãn cách.

Như vậy, sẽ có một lượng rất lớn học sinh không có nhu cầu thi nữa sẽ xét tuyển theo học bạ. Những học sinh không có nhu cầu học lên nữa, cũng không thi. Từ đó, sẽ giảm tải đi rất nhiều so với việc tất cả cùng thi tốt nghiệp THPT, mà với mục đích chính của kỳ thi theo Bộ GD&ĐT cũng chỉ là để xét tốt nghiệp THPT.

Đà Nẵng kiến nghị không thi tốt nghiệp THPT do Covid-19

Ngày 31/7, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2020 do Bộ GD&ĐT tổ chức, ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng ban Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT TP Đà Nẵng, đã chính thức kiến nghị với Bộ GD&ĐT cho Đà Nẵng không tổ chức kỳ tốt nghiệp THPT vì diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

Phát biểu ngay sau đó, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam, nơi tình hình dịch bệnh Covid-19 cũng diễn biến phức tạp, đề xuất Bộ 3 phương án cụ thể:

- Một là, tiếp tục để tỉnh Quảng Nam rà soát tình hình dịch bệnh và đến ngày 6/8 nếu kiểm soát được dịch bệnh thì Quảng Nam sẽ tổ chức thi tốt nghiệp THPT như các tỉnh khác. Hiện Quảng Nam chưa có cán bộ, giáo viên nào nhiễm hoặc là F1 của ca bệnh.

- Phương án 2 là có thể cho Quảng Nam thi sau khoảng 1 tháng, khi dịch bệnh kiểm soát tốt hơn. Đề thi sẽ thi bằng đề thi dự bị của Bộ GD&ĐT.

- Phương án 3 là nếu tình hình diễn biến phức tạp thì xin không tổ chức thi và xét đặc cách tốt nghiệp cho thí sinh, tương tự như đề nghị của UBND TP Đà Nẵng.

Trước các đề nghị trên, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết: Bộ vẫn đang rất sát sao và hằng ngày hàng giờ đều nắm tình hình của Đà Nẵng, Quảng Nam. "Chúng tôi ghi nhận và xin ý kiến của các địa phương, sẽ trao đổi với các  bộ, ngành liên quan và báo cáo Chính phủ", ông Nhạ nói.

Trong thời gian tới, ông Nhạ cũng đề nghị Đà Nẵng, Quảng Nam và các tỉnh tiếp tục bám sát tình hình, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện phòng ngừa dịch bệnh và điều kiện tổ chức kỳ thi.

Nếu xét học bạ, cần đảm bảo sự công bằng

Đứng từ góc độ tuyển sinh của đại học, GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH KHXH&NV), Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, đến thời điểm này Trường ĐH KHXH&NV chưa có phương án dự phòng nào.

Bởi thứ nhất, còn tùy vào tình hình của dịch trong những ngày tới. Thứ hai, do Trường ĐH KHXH&NV là trường thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội cho nên việc tuyển sinh vẫn theo đề án tuyển sinh chung của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Thời điểm hiện tại, nhà trường vẫn đang theo đề án đã công bố, đó là dùng phần lớn từ kết quả thi tốt nghiệp THPT, khoảng 80 - 85% để xét tuyển. Còn lại là xét tuyển thẳng.

Với việc dành tới 80 - 85% tổng chỉ tiêu xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT, giả sử tình huống xấu là không thể tổ chức thi tốt nghiệp THPT, việc tuyển sinh của Trường ĐH KHXH&NV đương nhiên bị ảnh hưởng, xáo trộn nhiều.

Và nhiều cơ sở đào tạo cũng sẽ chung khó khăn này. Bởi vì, đa số các đơn vị đào tạo trong nước đều sử dụng từ thấp đến cao kết quả tốt nghiệp THPT để xét tuyển. Tuy nhiên, trong trường hợp bất khả kháng, các trường sẽ phải điều chỉnh các phương án. 

Theo ông Tuấn, lúc đó, ngoài nỗ lực từng trường sẽ phải có sự phối hợp giữa các đơn vị đào tạo, đặc biệt là những khối ngành gần với nhau. Và Bộ GD&ĐT sẽ phải đồng hành với các trường, đảm bảo việc xét tuyển không bị rối loạn.

Và một điều rất quan trọng, nếu xét học bạ, thì phải làm sao đảm bảo được sự công bằng cho các thí sinh. Bởi giữa các trường, điểm học bạ có thể có sự khác biệt. Cần phải có sự phân nhóm, “cầm trịch” từ Bộ GD&ĐT và cụ thể là Vụ Giáo dục Đại học và Vụ THPT, Cục Khảo thí và đảm bảo chất lượng đối với các địa bàn, thậm chí trong một địa bàn. Thực tế, trong một tỉnh, giữa thành phố, thị xã và khu vực vùng sâu, vùng xa đã có sự khác biệt…

Về việc có nên lùi thời điểm thi tốt nghiệp THPT hay không, ông Tuấn cho rằng, về cơ bản hiện nay đã không còn thời gian để lùi. Cũng có thể chờ đợi tới đầu tháng 9, nhưng dịch diễn biến phức tạp, không thể nói trước được. Cho nên, nếu trong tình huống chờ, cũng phải xây dựng các kịch bản khác nhau, trong đó có việc xét học bạ.

PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, thời điểm hiện tại, nhà trường cũng chưa đặt ra tình huống sẽ không thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, nếu tình huống xấu nhất không thể thi được do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chắc chắn, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng sẽ phải điều chỉnh phương án tuyển sinh.

GS.TS Hoàng Anh Tuấn cho biết, trong tình huống xấu nhất là không thi được, công tác tuyển sinh của các trường sẽ khó khăn hơn nhưng ông tin cũng vẫn sẽ ổn và sẽ đảm bảo được chất lượng. Trong lúc này, điều cần nhất là sự nỗ lực, cố gắng, tinh thần đoàn kết của mỗi cá nhân cũng như của cả tập thể để có thể vượt qua, khắc phục được hoàn cảnh.

Theo Đời sống
back to top