<div> <p>Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Tây Hồ đã có đề xuất gửi UBND TP Hà Nội về dự án bãi đỗ xe ngầm trên phần đất hiện hữu thuộc Công viên Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Theo đó, doanh nghiệp này xin xén 1,45 ha ở phía Đông Bắc của công viên (hiện công viên rộng 10 ha) để thực hiện dự án gồm các hạng mục bãi đỗ xe kết hợp trung tâm thương mại, dịch vụ... với tổng vốn đầu tư 565 tỷ đồng.</p> <p>Hạng mục bãi đỗ xe ngầm có 3 tầng hầm. Trong đó hai hầm dưới cùng dự kiến có diện tích 24.000 m2, làm chỗ đỗ cho khoảng 874 ôtô. Ở hầm trên cùng, chủ đầu tư dự định dành 12.000 m2 kinh doanh thương mại với rạp chiếu phim, trung tâm tổ chức sự kiện, khu vui chơi trẻ em, khu tập thể thao, trung tâm thương mại... Chủ đầu tư cũng cho biết, trên mặt đất sẽ xây dựng vườn hoa, khu vui chơi trẻ em bù vào phần đất đã xén đi.</p> <table align="center" border="0" cellpadding="3" cellspacing="0"> <tbody> <tr> <td><img alt="Toàn cảnh Công viên Cầu Giấy rộng hơn 10ha nằm trên địa bàn phường Dịch Vọng, Cầu Giấy. Ảnh: UBND quận Cầu Giấy" src="https://khds.1cdn.vn/2019/03/17/cv-cg-500-8390-1552788733.jpg" /></td> </tr> <tr> <td> <p>Toàn cảnh Công viên Cầu Giấy rộng hơn 10 ha trên địa bàn phường Dịch Vọng, Cầu Giấy. Ảnh: <em>UBND quận Cầu Giấy</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Lý giải về đề xuất này, chủ đầu tư cho rằng các chung cư xung quanh dự án đang thiếu chỗ đỗ xe. Cụ thể, hầm các tòa nhà chung cư gần khu vực này có sức chứa 477 xe, còn 682 chỗ đỗ khác phải gửi trực tiếp trên vỉa hè. Với 6.000 hộ dân xung quanh, chủ đầu tư cho rằng sẽ thiếu chỗ đỗ trong tương lai, chưa kể nhu cầu của các cơ quan, trường học, văn phòng... (khoảng 500 chỗ đỗ). </p> <p>Trước đó, doanh nghiệp này được UBND TP Hà Nội giao xây dựng bãi đỗ xe ngầm tại công viên Trung Yên. Tuy nhiên, công ty này cho biết địa chất tại đó yếu nên phải xử lý phức tạp, lại có 60 hộ dân phản đối nên khu đất này vẫn bị bỏ hoang. Để thực hiện dự án, chủ đầu tư chuyển sang xin đất tại Công viên Cầu Giấy.</p> <p><span><strong>Đề xuất của doanh nghiệp đã được chủ trương đồng ý của UBND TP Hà Nội với điều kiện phải hoàn trả cây xanh cho công viên sau khi xén đất, lập quy hoạch 3 đến 5 tầng hầm đỗ xe, nhà điều hành phía trên không quá 5% diện tích ô đất và có chiều cao chỉ một tầng...</strong></span></p> <p>Sở Kế hoạch & Đầu tư TP Hà Nội cho rằng đề xuất của Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển đô thị Tây Hồ là phù hợp. Cơ quan này dẫn ý kiến của Sở Quy hoạch và Kiến trúc cho biết ô đất định xén đi có quy hoạch là đất cây xanh đô thị. Trong bán kính 500 m từ lô đất làm công viên, quy hoạch cũng đề xuất nghiên cứu 3 bãi đỗ xe tập trung diện tích khoảng 4.000 m2 phục vụ khu đô thị Dịch Vọng. Bên cạnh đó, Sở cho biết trong quy hoạch, khu đất cây xanh đô thị có đề cập đến công trình thương mại, dịch vụ (quy mô nhỏ) và được khuyến khích phát triển bãi đỗ xe ngầm, trên đó khai thác công viên cây xanh.</p> <p>Tuy nhiên, nhiều ý kiến cộng đồng cư dân phường Dịch Vọng không đồng thuận với dự án này. Đại diện cư dân cho biết, ở khu vực này mỗi chung cư đền có 1-3 tầng hầm, hoàn toàn đảm bảo chỗ đỗ. Ngoài ra, tại đây cũng mới khánh thành một bãi đỗ xe nổi 5 tầng phía sau nhà N09B1, cách công viên 100 m.</p> <p>Bên cạnh đó, theo cư dân, trong quy hoạch lân cận công viên đang có 5 bãi đỗ xe, nhưng hiện chưa được xây dựng. Thậm chí có lô quy hoạch bãi đỗ xe bị sử dụng sai mục đích. Ngoài ra, bên ngoài công viên cũng có nhiều lô đất được giao rồi nhưng dự án triển khai chậm nhiều năm và đang được dùng làm sân tennis, quán bia, sân bóng...</p> <p>"Tại sao họ không thu hồi dự án chậm để làm bãi đỗ xe, mà phải xén đất công viên", đại diện cư dân đặt câu hỏi. </p> <p>Đại diện cư dân cho rằng, phương án trồng cây xanh trên bề mặt của chủ đầu tư là sơ sài, chủ yếu là cây bụi. Việc xây dựng chỗ đỗ cho gần 900 ôtô ra vào cũng tạo ra lượng tiếng ồn, khói bụi cho công viên, các trường học lân cận và người dân sống ở khu vực xung quanh.</p> <p>Về hạng mục dịch vụ khác như với nhiều trung tâm thương mại, rạp chiếu phim, phòng gyms, trung tâm tiệc cưới, cư dân cho rằng trong bán kính 2 km xung quanh công viên cũng có rất nhiều nên việc phát triển tại đây là không cần thiết. </p> </div>