Đề xuất vay JICA 446,6 triệu USD để mở rộng cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây

Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đề xuất Dự án đầu tư mở rộng đường cao tốc Tp.HCM -Long Thành - Dầu Giây sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).

Dự án có mục tiêu đầu tư mở rộng tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và các công trình trên tuyến với chiều dài khoảng 24km lên 8 làn xe.

Riêng cầu Sông Tắc đầu tư lên 10 làn xe, cầu Long Thành lên 9 làn xe (5 làn chiều TP.HCM đi Long Thành và 4 làn chiều ngược lại). 

Theo báo cáo của Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, tổng mức đầu tư giai đoạn hoàn chỉnh cho đoạn tuyến đề xuất mở rộng khoảng 23,76 km (chưa gồm lãi vay) vào khoảng 16.379,0 tỷ đồng, tương đương 715,9 triệu USD.

Dự kiến tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 12.969,4 tỷ đồng (566,8 triệu USD), gồm chi phí xây dựng sau thuế là 8.849 tỷ đồng (386 triệu USD), chi phí GPMB là 1.080 tỷ đồng (47,21 triệu USD).

Đơn vị đề xuất Dự án đề xuất vay ODA của JICA dự kiến là 10.217,5 tỷ đồng (446,6 triệu USD) cho các hang mục: chi phí xây dựng, thiết bị (100% trước thuế); chi phí tư vấn thiết kế kỹ thuật và giám sát, chi phí khác (7%), chi phí dự phòng.

Nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 2.751,8 tỷ đồng,cho các hạng mục: Thuế VAT (của chi phí xây lắp và chi phí dự phòng), chi phí GPMB, chi phí quản lý dự án; chi phí dự phòng và lãi vay.

Dự kiến thời gian thực hiện Dự án là 5 năm sau khi hiệp định vay cho dự án có hiệu lực (dự kiến từ năm 2021 đến năm 2025).

Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đề nghị Bộ GTVT xem xét có văn bản gửi Bộ Kế hoạch - đầu tư và Bộ Tài chính về đề xuất dự án đầu tư mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Trước đó, theo báo cáo đầu kỳ kết quả nghiên cứu tiền khả thi của dự án được Ban quản lý dự án Mỹ Thuận trình Bộ GTVT, tổng mức đầu tư dự án khoảng 11.505 tỷ đồng.

Trong đó, chi phí xây dựng là 8.306 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 405 tỷ đồng, còn lại là dự phòng, chi phí tư vấn và quản lý dự án… 

Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe cao tốc đưa vào khai thác từ năm 2015. Sau 5 năm đưa vào khai thác, tuyến cao tốc này đã quá tải, đặc biệt là các dịp lễ, tết luôn luôn xuất hiện tình trạng kẹt xe.

Do đó từ cuối năm 2019, Bộ GTVT đã chỉ đạo nghiên cứu mở rộng tuyến cao tốc Tp.HCM– Long Thành – Dầu Giây.

Theo Đời sống
back to top