Đề xuất trên được VNR đưa ra tại Dự thảo Đề án và tờ trình gửi Thủ tướng về phê duyệt phương án cơ cấu lại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) giai đoạn 2017-2020. Trong đó, VNR lựa chọn phương án hợp nhất hai công ty trên thành Công ty CP Vận tải đường sắt.
VNR nhận định, việc sáp nhập sẽ diễn ra trong khoảng 110 - 120 ngày (4 tháng), ít gây xáo trộn về tổ chức và nhân lực (do sử dụng bộ máy và lao động hiện có), tiết kiệm chi phí do không phải thực hiện đánh giá lại các tài sản, không phải tổ chức đấu giá…
Sau hợp nhất, công ty mới thực hiện việc phân chia, bóc tách về tổ chức, lao động, vốn, tài sản để thành lập công ty con chuyên kinh doanh vận tải hàng hóa. Theo đó, chức năng vận tải hành khách sẽ do Công ty cổ phần Vận tải đường sắt đảm nhận, còn vận tải hàng hóa do các công ty con trực thuộc đảm nhận.
Việc phân chia này giúp tăng cường tính chuyên môn hóa, tách bạch vận tải hàng hóa và hành khách, qua đó thu hút các thành phần kinh tế khác tham gia, để khai thác nguồn lực xã hội về tài chính, công nghệ, thị trường và đặc biệt là quản trị.
Bên cạnh đó, việc hợp nhất sẽ hạn chế tối đa cạnh tranh nội bộ, tập hợp nguồn lực để nâng cao năng lực cạnh tranh với các phương thức vận tải khác, hạ giá thành vận tải, tăng năng suất lao động...
Đề án cũng cho biết, sau khi tổ chức sản xuất kinh doanh ổn định, có hiệu quả sẽ tiếp tục thực hiện thoái hết toàn bộ vốn tại công ty kinh doanh vận tải hàng hóa đường sắt này. Để thực hiện được nhiệm vụ về an sinh xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng trong giai đoạn tiếp theo, ĐSVN sẽ giảm tỷ lệ cổ phần chi phối và duy trì ở mức 51%.