Bộ Công an vừa hoàn tất lấy ý kiến dự thảo lần cuối về quy chế dân chủ trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Dự thảo này nếu được thông qua sẽ có hiệu lực từ cuối năm nay.
Dự thảo lần này có một số nội dung thay đổi so với Thông tư 54/2009 đang áp dụng và Dự thảo lần 2.
Theo đó, trong điều 11 quy định về "Hình thức giám sát của nhân dân", dự thảo đã bổ sung nội dung người dân được giám sát hoạt động của cảnh sát giao thông thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp theo quy định của pháp luật.
Việc giám sát này phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sĩ thực thi nhiệm vụ.Thủ trưởng cơ quan công an có cán bộ, chiến sĩ được nhân dân góp ý, nhận xét phải có trách nhiệm xem xét, xử lý kịp thời theo đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra, trong dự thảo Bộ Công an cũng nêu rõ, công dân khi giám sát và thông tin, phản ánh lên các phương tiện truyền thông phải đảm bảo tính khách quan, trung thực và chịu trách nhiệm trước thông tin cung cấp. Nếu người dân cố ý "quay phim, chụp ảnh" nhằm đưa thông tin phiến diện, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của cá nhân người bị đăng tải... sẽ xử phạt theo Luật An ninh mạng hoặc Bộ luật Hình sự.
Trước đó, trong dự thảo lần 2, Bộ Công an đề xuất nhân dân chỉ được giám sát công an trong chấp hành điều lệnh, thái độ, tác phong; cách xử lý có khách quan, đúng pháp luật hay không khi làm nhiệm vụ.
Cuối tháng 6 vừa qua, Bộ Công an công bố dự thảo lần 2 và đã bỏ nội dung người dân được phép ghi âm, ghi hình, quan sát trực tiếp hoạt động của cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân. Điều này khiến người dân tiếp tục phản ứng cho rằng làm như vậy sẽ hạn chế quyền công dân mà luật, Hiến pháp quy định. Chính vì vậy, trong dự thảo lần này Bộ Công an đưa trở lại đề xuất trên.
Lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông đánh giá việc bổ sung ghi âm, ghi hình trong dự thảo lần này là nhằm cụ thể hóa hơn quyền giám sát của người dân.