Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi), ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết về điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng và điều kiện trở thành công ty đại chúng (Khoản 1 Điều 14 và Khoản 1 Điều 31 của dự thảo Luật) có hai loại ý kiến khác nhau.
Loại ý kiến thứ nhất cho rằng: cần nâng điều kiện về mức vốn điều lệ của công ty đại chúng từ 10 tỉ lên 30 tỉ đồng để phù hợp với quy mô thị trường chứng khoán hiện tại và nâng cao chất lượng của các công ty đại chúng. Loại ý kiến thứ hai cho rằng: quy định tăng vốn điều lệ của công ty đại chúng từ 10 tỷ lên 30 tỷ đồng sẽ hạn chế quyền huy động vốn của doanh nghiệp.
Đại diện của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho biết đa số ý kiến thành viên của ủy ban này tán thành với tờ trình của Chính phủ và cho rằng việc nâng điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng và điều kiện trở thành công ty đại chúng là cần thiết để nâng cao chất lượng, sự ổn định của cổ phiếu đưa vào thị trường chứng khoán và phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như quy mô của thị trường hiện tại. Đồng thời, quy định nâng mức vốn điều lệ sẽ hạn chế những rủi ro cho các doanh nghiệp có khả năng tài chính còn thấp khi tham gia vào thị trường.
Theo báo cáo của Chính phủ, hiện tại có 81,04% công ty đại chúng có mức vốn điều lệ từ 30 tỉ đồng trở lên, do đó việc tăng vốn điều lệ từ 10 tỉ lên 30 tỉ đồng sẽ chỉ tác động đến khoảng 18% các công ty đại chúng đang hoạt động.
Tuy nhiên, một số ý kiến nhất trí với loại ý kiến thứ hai và cho rằng, hiện nay hơn 98% doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa với mức vốn trung bình khoảng 11 tỷ đồng. Việc quy định tăng mức vốn điều lệ như dự thảo Luật sẽ là rào cản đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhu cầu huy động vốn trên thị trường chứng khoán.
Ngoài những góp ý, Ủy ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Chứng khoán nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Chứng khoán sau hơn 10 năm thi hành.