Cụ thể, Bộ Tài chính đề nghị giảm mức thuế nhập khẩu các mặt hàng thịt gà đã chặt mảnh và phụ phẩm sau giết mổ, đông lạnh thuộc phân nhóm 2207.14 từ 20% xuống 18%. Riêng đối với thịt gà từ Mỹ, Bộ Tài chính cho biết Đại sứ quán Mỹ kiến nghị giảm các mặt hàng thịt gà từ 20% xuống 14,5% trong năm 2020 và 0% vào năm 2028.
Bộ Tài chính nhận định, với thịt gà, mức thuế suất 18% tương ứng với mức cắt giảm năm thứ 1 trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Mặt khác, khi giảm thuế, người tiêu dùng được hưởng lợi do giá thịt gà nhập giảm. Tuy nhiên, việc giảm thuế này cũng khiến việc thu thuế giảm khoảng 3 triệu USD (69 tỷ đồng) so với năm 2018 thì dự kiến sẽ giảm thu khoảng 3 triệu USD.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho biết, trong 9 tháng năm 2019, cả nước đã nhập khẩu 215.700 tấn thịt gà các loại, với kim ngạch hơn 186 triệu USD, tương ứng 19.800 - 21.500đ/kg chưa bao gồm thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, bảo quản kho lạnh… Mức giá này thấp hơn nhiều so với giá thịt gà trong nước.
Đối với mặt hàng thịt lợn, Bộ Tài chính đề xuất hạ thuế suất mặt hàng thịt lợn tươi hoặc ướp lạnh trừ loại thịt cả con và nửa con, trừ thịt mông đùi, thịt vai và các mảnh của chúng (0203.19.00) từ 25% xuống 22%. Riêng Hoa Kỳ đề xuất giảm từ 25% xuống 18,9% năm 2020 và 0% trong năm 2027.
Mức thuế đề xuất này của Bộ Tài chính tiệm cận với mức thuế suất cắt giảm năm 2019 theo Hiệp định CPTPP là 21,6%, do Biểu thuế MFN không có mức thuế suất 21% nên quy định mức thuế suất 22%.
Đánh giá về tác động số thu ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay hầu như không có kim ngạch nhập khẩu áp dụng mức thuế MFN nên việc điều chỉnh thuế suất không ảnh hưởng đến số thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, việc giảm thuế MFN dẫn đến lượng nhập khẩu tăng, qua đó có thể tăng thu ngân sách nhà nước.
Hiện, do ảnh hưởng từ dịch tả lợn Châu Phi, từ nay đến cuối năm sẽ thiếu khoảng 200.000 tấn thịt lợn. Do đó, việc nhập khẩu thịt lợn trong ngắn hạn là cần thiết. Nhưng trong trung và dài hạn là chưa thể đoán định. Hơn nữa, người tiêu dùng Việt Nam chưa quen với thịt lợn nhập khẩu, vẫn sử dụng thịt lợn sản xuất trong nước là chính.