Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông dài 13 km, có điểm đầu tại ga Cát Linh và điểm cuối tại ga Yên Nghĩa. Dự án có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn gồm 4 toa. Tần suất khai thác là 3-5 phút/chuyến, tương lai 2 phút/chuyến. Trên tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có 12 nhà ga trên cao, gồm: Cát Linh, La Thành, Thái Hà, Láng, Thượng Đình, Vành đai 3, Phùng Khoang, Văn Quán, Hà Đông, La Khê, Văn Khê và Yên Nghĩa. Để phục vụ nhân dân đi tàu điện thuận lợi, ngành giao thông thủ đô đang khảo sát xây dựng điểm dừng cho xe buýt tại 11/12 ga.
Căn cứ vào khoảng cách, điểm dừng, TP Hà Nội đề xuất có 3 loại giá vé áp dụng lượt, ngày, tháng như sau: Giá vé lượt được tính theo quãng đường di chuyển của khách, trong đó tối đa 15.000 đồng/lượt nếu đi toàn tuyến và thấp nhất là 7.000 đồng với quãng đường ngắn nhất. Với khách đi theo ngày, giá vé được áp dụng là 30.000 đồng/người (không giới hạn số lượt đi lại trên tuyến theo ngày). Giá vé tháng sẽ là 200.000 đồng/người. Mức giá vé được áp dụng trong thời gian thí điểm kể từ ngày đưa phương tiện vào khai thác thương mại. Vé lượt có thể thanh toán bằng tiền mặt hoặc thẻ. Việc thanh toán bằng thẻ được khuyến khích với mức giá rẻ hơn thanh toán bằng tiền mặt khoảng 500 đồng mỗi lượt.
Dự kiến Hà Nội sẽ hỗ trợ 50% giá vé tháng đối với các đối tượng: học sinh, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp, người cao tuổi. Hỗ trợ 30% giá vé tháng cho cán bộ, nhân viên tại các văn phòng công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể. Trong đó, dự kiến miễn phí cho toàn bộ hành khách sử dụng dịch vụ vận tải hành khách trong 15 ngày đầu kể từ khi tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh- Hà Đông bắt đầu khai thác vận hành thương mại.
Sau khi có định mức kinh tế kỹ thuật chuyên ngành và các quy định về chi phí quản lý, vận hành về đường sắt đô thị, UBND thành phố sẽ giao Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài chính tiến hành đánh giá, tổng kết và trình xem xét ban hành giá vé chính thức.