Đề xuất dành 3.000 - 5.000 tỷ đồng để đào tạo lại 1 triệu lao động

(khoahocdoisong.vn) - Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung vừa cho biết sẽ đề xuất với Chính phủ dành khoảng 3.000 – 5.000 tỷ đồng từ kết dư bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại cho 1 triệu lao động.
Đào tạo nghề sửa chữa điện lạnh (ảnh minh họa).

Đào tạo nghề sửa chữa điện lạnh (ảnh minh họa).

Theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, do ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19, có tới 86% doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng, doanh thu giảm còn 70%; khu vực DN nhỏ và vừa, khu vực du lịch hàng không, dịch vụ lao động tự do bị ảnh hưởng nghiêm trọng; khoảng 26% DN tạm dừng hoạt động hoặc ngừng việc, giãn việc và mất việc.

Hiện nay, nhiều DN đang nỗ lực để duy trì sản xuất. DN và người lao động (NLĐ) cùng chia sẻ vượt qua khó khăn như DN trả lương cơ bản cho NLĐ, NLĐ tự nguyện giảm một phần thu nhập của mình để chia sẻ khó khăn với DN.

Để khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh, yếu tố quan trọng là kỹ năng, tay nghề của người lao động. Hệ lụy của cắt giảm nhân sự là chi phí tuyển dụng lại sẽ rất lớn, thiếu hụt trầm trọng lao động. Do vậy, đối với các DN, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất cần ưu tiên hàng đầu là tập trung tái cấu trúc lại nguồn nhân lực đi đôi với đổi mới công nghệ. Bộ này sẽ đề xuất và tham mưu với Chính phủ dành 3.000 - 5.000 tỷ đồng từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại lực lượng lao động.

Thực tế đã chứng minh rất nhiều trường hợp ban đầu họ là công nhân, sau đó tham gia học nghề từ chính sách hỗ trợ cho lao động thất nghiệp và đã xin được việc làm mới, mức lương ổn định hơn.

Anh Nguyễn Quang Vinh (35 tuổi) nhân viên Trung tâm Điện lạnh Bách Khoa, Hà Nội cho biết, trước kia chỉ là lao động chân tay, thợ phụ hồ, không có bằng cấp, công việc theo mùa vụ thất thường, thu nhập thấp. Đồng lương ít ỏi hằng tháng chỉ đủ để chi tiêu hằng ngày, không có tiền tích lũy nên không thể đầu tư học nghề. Anh Vinh lo lắng sau này tuổi cao, không có sức lực lao động cực nhọc thì cuộc sống vô cùng khó khăn nên xin tham gia một khóa học nghề điện lạnh được hỗ trợ của Trung tâm dịch vụ việc làm. Học xong, anh được hỗ trợ xin việc, làm nhân viên sửa chữa điều hòa, máy giặt, tủ lạnh, công việc nhẹ nhàng hơn, thu nhập cao hơn. Hiện tại, anh Vinh mong muốn được hỗ trợ học nâng cao tay nghề để chuyển sang phụ trách kiểm tra, sửa chữa điện cho công ty sản xuất lớn để đời sống thu nhập ổn định lâu dài, có bảo hiểm xã hội...

Theo Đời sống
back to top