Đề xuất cho tư nhân đầu tư dự án truyền tải điện

Chính phủ đề xuất sửa Luật Điện lực để cho phép mọi thành phần kinh tế được tham gia đầu tư dự án truyền tải điện.

Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 6, thảo luận sửa 8 luật gồm: Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Sửa đổi Luật Điện lực, Chính phủ đề xuất sửa Điều 4 theo hướng, Nhà nước thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải, trừ các dự án lưới điện do Nhà nước đầu tư theo quy hoạch phát triển điện lực trong từng thời kỳ.

Để tư nhân làm hạ tầng truyền tải điện là một trong những giải pháp giảm tải lưới điện hiện nay. Tỷ trọng nguồn điện năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió...) ngày càng lớn trong tổng công suất nguồn nhưng lại tập trung chủ yếu ở một số vùng phụ tải thấp.

Đa số ý kiến thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường khi thẩm tra sơ bộ đều đồng tình cho phép doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải. Song cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc khi mở cho tư nhân tham gia đầu tư lĩnh vực này.

chu-tich-quoc-hoi-vuong-dinh-hue-phat-bieu-tai-phien-thao-luan-ngay-8-12-2021-cua-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi..jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên thảo luận ngày 8/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ góp ý, cần có đánh giá tác động về an ninh năng lượng, quốc phòng kỹ lưỡng hơn khi cho phép các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng lưới truyền tải điện, nhất là các trạm, đường dây lưới điện 500kV.

Theo ông, trước đây Nhà nước độc quyền trong truyền tải điện, gồm cả khâu xây dựng, vận hành, quản lý. Nếu mở cho mọi thành phần kinh tế, tức gồm cả nhà đầu tư nước ngoài, đầu tư vào đường dây, trạm truyền tải, gồm cả các loại hệ thống truyền tải điện quan trọng, xương sống như trạm, đường dây 500kV vào trục Bắc - Nam.

"Cần phân định rõ loại đường dây truyền tải điện nào nhà đầu tư tư nhân được làm, loại nào Nhà nước có quy hoạch, giao EVN làm", ông nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng đồng tình cần quy định rõ trong luật sửa đổi đường dây trên 500kV không phân cấp cho tư nhân làm. Còn với đường dây truyền tải dưới 500kV, mọi thành phần có thể tham gia, nhưng vẫn có những dự án quan trọng Nhà nước làm theo quy hoạch. Chẳng hạn, đoạn đường dây truyền tải ngắn nhưng đi qua khu vực an ninh, quốc phòng thì bắt buộc Nhà nước phải đầu tư.

Thay mặt Chính phủ giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đồng tình với gợi ý của Chủ tịch Quốc hội. Dự thảo luật sẽ nêu cụ thể loại công trình lưới điện truyền tải nhà đầu tư tư nhân được rót vốn.

"Các dự án lưới điện huyết mạch, quan trọng như đường dây cao áp 500kV và siêu cao áp 800kV sẽ do Nhà nước đầu tư. Còn đường dây truyền tải dưới 500kV (như đường dây 100kV, 220kV) thì cho phép tư nhân tham gia", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Liên quan tới chi phí khi tư nhân đầu tư, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt vấn đề về tính công khai, minh bạch trong quản lý chi phí vận hành khấu hao, bảo dưỡng của lưới truyền tải điện khi tư nhân vào đầu tư.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, việc cho phép tư nhân tham gia đầu tư lưới truyền tải điện sẽ giúp Nhà nước kiểm soát, không có biến động lớn vào giá bán điện, an ninh hệ thống điện. Người dân cũng không phát sinh thêm chi phí. Còn doanh nghiệp Nhà nước sẽ được giảm bớt gánh nặng đầu tư lưới điện truyền tải, ước tính số tiền tiết kiệm đầu tư mỗi năm khoảng 11.000 tỷ đồng.

"Hiện các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực điện chiếm hơn một nửa số dự án điện của tư nhân, nên không có lý do gì họ không đầu tư vào truyền tải điện. Họ rót vốn đầu tư dự án truyền tải, còn việc điều độ hệ thống điện vẫn do Nhà nước nắm giữ. Điều này đảm bảo hệ thống điện được vận hành hiệu quả, ổn định", Bộ trưởng Công Thương khẳng định.

Ngoài ra, khi tư nhân đầu tư vào lưới điện truyền tải phải tuân thủ các quy định về đầu tư xây dựng, chịu sự quản lý Nhà nước về vận hành như phải cho phép các chủ thể khác được quyền đấu nối vào lưới điện truyền tải. "Ai làm khâu nào được hưởng khâu đó", ông nói.

Sau phiên thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết, tán thành bổ sung dự án luật này vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2021. Dự án luật sửa đổi sẽ được trình theo thủ tục rút gọn để Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường dự kiến diễn ra vào cuối năm nay.

Cuối năm 2020, Trạm biến áp 500kV Thuận Nam và đường dây 500kV Thuận Nam – Vĩnh Tân được đưa vào hoạt động, trở thành thí điểm đầu tiên cơ chế cho phép doanh nghiệp đầu tư Hạ tầng truyền tải điện.

Sau 1 năm vận hành ổn định, Trạm biến áp 500kV Thuận Nam và đường dây 500kV Thuận Nam – Vĩnh Tân đã truyền tải hiệu quả hơn 2.5 tỷ kWh, góp phần rất lớn đưa tỉnh Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo quốc gia theo quyết định của Thủ Tướng Chính Phủ, cũng như hiện thực hóa quyết tâm tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đối với tầm nhìn chiến lược năng lượng tái tạo 2030 - 2045.

Theo Đời sống
back to top